Cần đẩy mạnh đổi mới nông, lâm trường quốc doanh

Thứ năm, 26/11/2015 15:09

(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, nông, lâm trường quốc doanh đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào khu vực nông thôn, miền núi. Trong tình hình hiện nay, tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đang là vấn đề cấp thiết.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, thời gian qua, nhiều nông, lâm trường quốc doanh đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng; tạo điều kiện để hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản. Một số nông, lâm trường quốc doanh đã làm tốt vai trò trung tâm kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ, chế biến nông, lâm sản cho nhân dân trong vùng; thực hiện sản xuất kinh doanh tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông, lâm sản đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo được một số mô hình mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các nông, lâm trường quốc doanh đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các thị trấn, thị tứ, trung tâm kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc.

Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Quá trình phát triển của nông, lâm trường quốc doanh trải qua nhiều giai đoạn, gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giai đoạn 1955-1975, nhiệm vụ chủ yếu của nông, lâm trường là khai hoang, phục hóa đất đai, trồng rừng và phát triển kinh tế theo mô hình tập trung, tập thể. Giai đoạn 1976-1986, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và số lượng. Nông, lâm trường quốc doanh được hình thành, phân bố rộng khắp cả nước, với 870 đơn vị . Nhà nước giao cho các nông, lâm trường quản lý 7,5 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước (trong đó 457 nông trường với 1,2 triệu ha; 413 lâm trường với 6,3 triệu ha).

Giai đoạn 1987- 2003, các nông, lâm trường quốc doanh thực hiện đăng ký, sắp xếp, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Nghị định 388/1991/HĐBT. Từ 869 đơn vị (457 nông trường, 412 lâm trường), sắp xếp lại còn 672 đơn vị (314 nông trường, 368 lâm trường). Giai đoạn 2004 - 2014, là giai đoạn thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Năm 2005, cả nước có 444 nông, lâm trường. Đến cuối năm 2012, còn 387 nông, lâm trường, giải thể 38 đơn vị. Đến tháng 12 năm 2012, tính cả 266 đơn vị, tổ chức không thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 28-NQ/TW, cả nước có 653 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 7.996.467 ha đất.

Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến tháng 12 năm 2014, các công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao về cho địa phương 80.468 ha, tổng diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quản lý còn 7.916.366 ha. Theo phương án sản xuất, dự kiến các công ty nông, lâm nghiệp sẽ bàn giao cho địa phương từ 15 - 20% diện tích đất hiện đang quản lý và sử dụng.

Sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh

Thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị định 118/CP, sẽ có 06 hình thức cho các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, gồm: công ty 100% vốn nhà nước sản xuất kinh doanh; công ty 100% vốn nhà nước sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên: đơn vị sự nghiệp - Ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; đơn vị phải giải thể.

Đối tượng thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/CP: Trước ngày Nghị định 118/CP có hiệu lực (01/2/2015) có 08 địa phương và đơn vị có công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, chuyển đổi phù hợp một trong các hình thức sắp xếp quy định tại điểm 2, Nghị định 118, đây là các đối tượng thuộc diện không phải sắp xếp lại; còn 41 địa phương và đơn vị thuộc diện đối tượng phải xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới, trình Chính phủ phê duyệt .

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đổi mới nông, lâm trường), tiến độ thực hiện việc lập hồ sơ, thẩm định phương án tổng thể sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng theo Nghị định 118/CP, đã có 34/41 địa phương, đơn vị trực thuộc Trung ương hoàn thành việc xây dựng đề án, gửi lên Bộ chủ quản và Ban chỉ đạo Trung ương. Ban chỉ đạo đã thẩm định xong phương án tổng thể cho 31 địa phương, đơn vị; trình Thủ tướng Chính phủ 26 địa phương, đơn vị; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 địa phương, đơn vị (Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Sóc Trăng); còn 7 địa phương với 21 công ty chưa gửi hồ sơ thẩm định: Nam Định (2 công ty), Tuyên Quang (5 công ty), Bắc Giang (5 công ty), TP Hà Nội (1 công ty), Thừa Thiên - Huế (4 công ty), TP Hồ Chí Minh (2 công ty), Ninh Thuận (2 công ty) .

Về cơ bản, các nông trường, lâm trường đã tiến hành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng theo đề án được phê duyệt. Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, hoặc có nhiều vi phạm về quản lý đất đai đã thực hiện các thủ tục giải thể theo quy định. Từ 186 nông trường (năm 2005), sắp xếp lại còn 145 công ty nông nghiệp (năm 2012); trong đó 105 công ty chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 37 công ty cổ phần, 02 công ty chuyển đổi, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, 01 công ty liên doanh (giảm 40 đơn vị, trong đó giải thể 22 đơn vị, hạ cấp 18 đơn vị). Từ 256 lâm trường (năm 2005), đến năm 2012 sắp xếp, chuyển đổi còn 151 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên thuộc sở hữu nhà nước (trong đó 138 đơn vị do tỉnh quản lý, 10 đơn vị do trung ương quản lý); 03 công ty cổ phần; thành lập mới 91 ban quản lý rừng (sau đó giảm còn 87 ban quản lý); giải thể 14 đơn vị.

Các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đã rà soát, xác định nhu cầu quản lý đất đai, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (theo đề án được phê duyệt). Các công ty, ban quản lý từng bước triển khai thực hiện các phương án khai thác, sử dụng đất thông qua các hình thức tự tổ chức sản xuất, khoán sử dụng đất, liên doanh, liên kết .

Các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đã tiến hành rà soát, làm rõ nhu cầu lao động, vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, cân đối thu, chi, các khoản nợ phải thu, phải trả. Trừ diện tích giữ lại để tổ chức sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, từng đơn vị đã rà soát, xác định cụ thể từng diện tích đất, giá trị vườn cây và cơ sở hạ tầng, làm các thủ tục bàn giao cho địa phương (đất chưa sử dụng, đất ở, đất sử dụng cho các mục đích công ích…) .

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỷ đồng (trong đó tài sản của Tập đoàn Công nghiệp Cao su 32.326 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu 23.170 tỷ đồng (riêng các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su là 17.607 tỷ đồng, chiếm 86,09%, các công ty thuộc Tổng công ty Cà phê 1.776 tỷ đồng, chiếm 8,68%); vốn điều lệ 10.970 tỷ đồng. Bình quân, mỗi công ty nông nghiệp có giá trị tài sản 141 tỷ đồng; nếu tính cả đơn vị phụ thuộc, thì bình quân mỗi đơn vị có tài sản 90 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản các công ty lâm nghiệp là 3.905 tỷ đồng; các khoản phải thu là 529 tỷ đồng; các khoản nợ là 1.833 tỷ đồng; tổng doanh thu là 2.478 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 182 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm (2004-2014) là 276 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau sắp xếp, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động ổn định. Một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm cổ phần hóa, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị kinh doanh; chủ động trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; tăng cường đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người lao động . Nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp đã tích cực lập quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bước đầu có chuyển biến tích cực trong sản xuất, cải thiện thu nhập của người lao động; nhất là các đơn vị có vùng nguyên liệu và thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Những tồn tại, hạn chế

Chủ trương chính sách sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý, chưa làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp nên chưa tạo được sự chuyển biến căn bản theo mục tiêu đề ra.

Do buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số nông, lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp. Những nông, lâm trường có phần lớn diện tích đất đai thực hiện khoán theo Nghị định 01-CP nhưng không có đầu tư, không quản lý được quy trình sản xuất... thực chất là khoán trắng, phát canh thu tô, những đơn vị này không còn nguyên nghĩa là một doanh nghiệp nhà nước. Quyền sử dụng đất đai của doanh nghiệp chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, giấy tờ, còn quyền sử dụng đất đai và tài sản trên đất thực sự thuộc về người nhận khoán với thời gian giao khoán là 50 năm.

Mối quan hệ giữa nông lâm trường với người nhận khoán không còn nguyên nghĩa là mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động mà chuyển thành mối quan hệ hợp đồng kinh tế thông qua hợp đồng giao nhận khoán đất. Có thể nói những nông, lâm trường này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, bộ máy quản lý là một tổ chức phát canh, thu tô và tồn tại được là do nhà nước chưa thực hiện triệt để việc bắt buộc các doanh nghiệp này nộp tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất.

Và một số giải pháp

Cần có các giải pháp kiên quyết và đủ mạnh, đồng bộ để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hiệu quả; đồng thời kiên quyết giải thể, cho phá sản đối các công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai, giao khoán trắng, hoặc giao khoán đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện được các nghĩa vụ về tài chính doanh nghiệp, tài chính đất đai...

Kiên quyết thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, hoặc có hiệu quả nhưng thấp hơn mức trung bình của địa phương để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng, ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những tồn đọng, bất cập mà nguyên nhân là do cơ chế chính sách để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Chính sách giao khoán sử dụng đất theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP với thời hạn giao khoán 50 năm; chính sách khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP; chính sách thí điểm bán vườn cây, đàn gia súc...) .

Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có các tồn tại trong quản lý nhà nước về đất đai; làm rõ trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn về quản lý, sử dụng đất đai trong giai đoạn 2004 – 2014.

Các địa phương cần chủ động đề xuất các giải pháp, phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Xây dựng phương án tăng cường quản lý đất đai đối với toàn bộ diện tích đất nông, lâm trường tại địa phương.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực