Chủ động các giải pháp phát triển sản xuất thanh long

Thứ hai, 31/10/2016 17:34
(ĐCSVN) - Thanh long là một trong những cây ăn quả có giá trị, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, hiện nay nông dân đang gặp khó khăn do bệnh đốm nâu và một số bệnh khác gây hại.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, chiến dịch phòng, chống bệnh đốm nâu hại thanh long đã triển khai diện rộng, đồng loạt làm giảm mạnh diện tích nhiễm bệnh. Thông qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của cán bộ và nông dân trong việc vệ sinh đồng ruộng, thực hành các biện pháp canh tác để phòng chống bệnh cho thanh long.

Hiện nay, tổng diện tích thanh long sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP đạt trên 13.000 ha, chiếm 34% tổng diện tích trồng thanh long của cả nước. Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp mã số vùng trồng cho gần 3.300 ha thanh long. Cùng với đó, đã có nhiều mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn với diện tích lớn. Các doanh nghiệp ngoài xuất khẩu trái thanh long tươi, còn chủ động đầu tư chế biến các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, với thanh long, bệnh hại xuất hiện và gây hại hàng năm, vì vậy rất cần thay đổi nhận thức, tổ chức công tác phòng chống bệnh thường xuyên nhằm đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu thanh long đã cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy, cần tổ chức liên kết sản xuất để nông dân thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, bền vững và truy xuất được nguồn gốc.

Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất thanh long, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục cấp mã số vùng trồng, xây dựng các mô hình liên kết; đồng thời xác định mô hình có hiệu quả để khuyến cáo nhân rộng, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường xuất khẩu thanh long đi Nhật, Úc... và các nước khác; thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, chủ trì xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thanh long có sự tham gia của doanh nghiệp nước nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước với địa phương và người trồng thanh long để lành mạnh hóa thị trường thanh long và nâng cao chất lượng thanh long xuất khẩu.

Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch trồng thanh long; hướng dẫn cải tạo các vườn thanh long già cỗi, bị bệnh nặng hoặc chuyển trồng cây khác có giá trị cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương hạn chế thúc ra hoa liên tục để đảm bảo cây khỏe, tăng sức chống chịu sâu bệnh hại.

Đối với các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất thanh long an toàn bền vững; tổ chức rà soát, quy hoạch vùng sản xuất thanh long. Cùng với đó có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất thanh long an toàn, bền vững cho nông dân và doanh nghiệp thực hiện liên kết. Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo quy định của pháp luật; thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực