Chú trọng công tác giống trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa

Thứ năm, 16/03/2017 18:32

(ĐCSVN) - Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy ngành bò sữa trong nước phát triển, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, rất cần quan tâm đến công tác về giống. Trong đó, cần chọn tạo các giống bò sữa HF thuần, thích nghi cao với điều kiện nhiệt đới; bò lai trên 75% máu có thể nuôi ở những vùng chuyên nuôi bò sữa, vùng có thức ăn và có cơ sở thu mua và chế biến sữa.

Chú trọng nâng cao chất lượng giống là giải pháp quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa nước ta phát triển (Ảnh: HNV)

Về công tác giống, theo Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh, cần thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi bò sữa tập trung công nghiệp áp dụng công nghệ cao; nuôi bò sữa HF thuần, có năng suất sữa cao ở những địa phương có điều kiện về đất đai và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện Chương trình lai tạo bò sữa F1 với 50% máu HF, bò F2 với 75% máu HF để bình tuyển, đánh giá cho đàn hạt nhân và lai tạo với tinh bò sữa năng suất cao, chuyển cho các vùng có điều kiện nuôi và chế biến sữa.

Thức ăn cũng là giải pháp cần chú ý để đảm bảo dinh dưỡng cung cấp cho đàn bò sữa. Theo Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh, cần chú trọng tới việc chế biến thức ăn thô, xanh thông qua sử dụng hiệu quả các phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn cho đàn bò; dự trữ và chế biến thức ăn thô xanh quanh năm cho cả mùa đông và mùa khô. Về loại thức ăn này, xem xét chuyển đổi một phần diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn cho chăn nuôi bò sữa; nhân rộng các mô hình trồng cỏ hỗn hợp, cỏ thâm canh năng suất cao có tưới tiết kiệm. Riêng với thức ăn hỗn hợp, nhân rộng các mô hình chế biến thức ăn phối trộn hỗn hợp trong chăn nuôi bò sữa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn phối trộn hỗn hợp và thức ăn bổ sung.

Về công tác chuồng trại, Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh cho rằng, cần ứng dụng các mô hình chuồng có kiểm soát nhiệt, độ ẩm cho bò sữa; ứng dụng các công nghệ cao trong xử lý môi trường (khí sinh học, chế phẩm sinh học,…). Bên cạnh đó, về quy mô chăn nuôi, phấn đấu tăng quy mô chăn nuôi bò sữa ở nông hộ từ 5,3 con lên 10 con/hộ; trang trại lớn dưới 3.000 con/trang trại.

Phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam là công cụ đảm bảo an ninh thực phẩm cho chương trình sữa học đường cũng như góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, chăn nuôi bò sữa trang trại tập trung, áp dụng công nghệ cao là tiền đề quan trọng cho ngành chế biến sữa và là đầu tàu liên kết sản xuất, thu mua sữa cho nông dân. Vì vậy, theo Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh, rất cần đẩy mạnh chế biến và đa dạng hóa sản phẩm sữa, gia tăng xuất khẩu. Đây là hướng đi bền vững cho sản xuất, kinh doanh sữa ở nước ta.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, trong giai đoạn 2011-2016, số lượng bò sữa ở nước ta tăng từ 142.700 con (năm 2011) lên 186.390 con (năm 2013) và đạt 283.990 con (năm 2016). Các tỉnh, thành phố có số lượng bò sữa phân bổ nhiều nhất năm 2016 gồm: TP. Hồ Chí Minh (90.132 con) với sản lượng sữa 278.926 tấn; Nghệ An (62.393 con) với sản lượng sữa 206.354 tấn; Sơn La (20.124 con) với sản lượng sữa 73.432 tấn,…

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 20.000 hộ chăn nuôi bò sữa với mật độ nuôi trung bình 5,4 con/hộ. Phía Bắc có 7.013 hộ nuôi với 3,7 con/hộ; tại phía Nam có 12.626 hộ với 6,3 con/hộ. Với các gia trại, có 670 trang trại nuôi trên 20 con/trại; các trang trại lớn chăn nuôi từ 1.000-3.000 con/trại. Trong giai đoạn 2011-2016, sản lượng sữa tươi nguyên liệu tiếp tục tăng. Năm 2011 đạt 345.444 tấn (tăng 10,51%) so với năm trước; năm 2014 đạt 549.533 tấn (tăng 20,41%); năm 2016 đạt 795.144 tấn (tăng 9,96%)./.

 

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực