Hội chợ triển lãm thương mại và nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ 2016

Thứ bảy, 05/11/2016 13:45
(ĐCSVN) – Trong các ngày từ 26/10 đến ngày 1/11, Hội chợ triển lãm thương mại và nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ 2016 đã diễn ra nhộn nhịp, thu hút đông đảo khách thăm quan và mua sắm.

Đây là sự kiện thứ 6 trong 8 chuỗi Hội chợ cấp vùng mà Trung tâm khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với các địa phương tổ chức trong năm 2016 này.



Quyền giám đốc TTKNQG Trần Văn Khởi (áo kẻ) thăm một gian hàng tại Hội chợ (Ảnh" MCD)

Theo Ban tổ chức, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội hơn nhưng thách thức, khó khăn cũng tăng lên vì áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, càng gặp nhiều rào cản từ các nước nhập khẩu. Do đó, những năm gần đây, bên cạnh công tác chuyển giao khoa học và công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất, hoạt động khuyến nông đã tích cực tham gia công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về Hội chợ lần này, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: “Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp và Thương mại, nguồn kinh phí khuyến nông do Bộ phê duyệt, lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Bình Phước, là vùng có vị thế địa chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng và hội tụ các điều kiện phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Hội chợ được xem là cầu nối hiệu quả để các doanh nghiệp tăng cường quan hệ, liên kết hợp tác, cùng nhau đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước hội nhập thành công vào thị trường khu vực và quốc tế. Thông qua các hoạt động, Hội chợ sẽ đóng góp một phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp tìm đến hợp tác và giới thiệu, quảng bá những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…” .

Cũng theo Ban tổ chức, với phương châm tìm hiểu, gắn bó và sáng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thiết thực phục vụ bà con nông dân một cách hiệu quả và gần gũi nhất, Hội chợ lần này còn giới thiệu, chia sẻ và tư vấn giúp người sản xuất lựa chọn được vật tư, thiết bị, sản phẩm có uy tín phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cùng nông dân tìm cách làm giàu.

Trong các ngày diễn ra, Hội chợ đã thu hút 350 gian hàng của 150 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có trên 80 gian hàng nông nghiệp đến từ các tỉnh trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ tham gia trưng bày, giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị, những sản phẩm mới đa dạng và phong phú trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làng nghề, văn hóa ẩm thực, công nghiệp - thương mại, tiêu dùng phục vụ đời sống và sản xuất.



Hội chợ giới thiệu trái cây đặc sản của vùng (Ảnh: MCD)

Nhân dịp Hội chợ còn có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực được tổ chức lồng ghép như: 6 cuộc Hội thảo tư vấn kỹ thuật nhằm cung cấp những thông tin, những giải pháp, những sản phẩm phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững tại vùng Đông Nam Bộ do các doanh nghiệp tham gia Hội chợ phối hợp tổ chức về các chủ đề tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý…, mỗi cuộc hội thảo thu hút 250 – 300 lượt nông dân; Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về chủ đề “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên" thu hút 350 đại biểu và nông dân đến từ các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tham dự...

Có thể thấy, Hội chợ là một trong những hoạt động khuyến nông được Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương tổ chức thường niên. Hội chợ có ý nghĩa kinh tế - xã hội cao nhằm quảng bá những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cũng như tạo ra mối liên kết với các tỉnh trong vùng, liên kết các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân trong việc trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường nội địa và phát triển kinh tế bền vững trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực