Châu chấu non bám dày đặc vào cỏ, cây và diện tích rừng vầu xã Thịnh Vượng,
huyện Nguyên Bình. Ảnh: P.O.
Cả tỉnh đã có 7 huyện và thành phố xuất hiện dịch châu chấu; trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Nguyên Bình (109 ha), Thạch An (172 ha), Hòa An (99 ha), Thành phố (50,5 ha) …
Mật độ châu chấu phổ biến từ 50 - 100 con/m2, một số nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2. Châu chấu chủ yếu gây hại trên cây ngô, lúa (hiện đang kỳ gieo mạ), thuốc lá và các loại cây tre, trúc, vầu, nứa…
Có mặt tại xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, phóng viên nhận thấy gần như tất cả các diện tích ngô của bà con trồng gần đường quốc lộ đã bị châu chấu ăn hết lá. Tất cả các bụi tre, trúc, vầu, nứa cũng bị tấn công, chỉ còn trơ trụi cành và thân.
Chị Lý Thị Em, ở xóm Xẻ Pản (Thịnh Vượng) cho biết: “Vụ ngô này, gia đình tôi trồng 3 kg ngô giống nhưng đến nay, châu chấu đã phá gần hết. Đám ngô nào bị chúng tấn công, chỉ 2 ngày là ăn sạch hết lá. Gia đình cũng đã phun thuốc, nhưng không hiệu quả vì chết lứa này, chúng lại bay từ rừng ra, nhiều vô kể. Có những lúc chúng di chuyển, bay qua che đen cả một góc trời… Vụ này, chắc gia đình tôi phải thiếu đói vì châu chấu…”.
Theo ông Nông Quốc Khánh, Chủ tịch xã Thịnh Vượng, đây là năm thứ hai xã xuất hiện dịch châu chấu. Xã đã chi ra 5 triệu đồng hỗ trợ bà con mua thuốc về phun, nhưng vẫn không cứu được ngô. Đề nghị lãnh đạo ngành nông nghiệp sớm có biện pháp giúp dân bảo vệ mùa màng.
Đối phó với tình trạng dịch châu chấu bùng phát và lan rộng, ngành nông nghiệp tỉnh đã huy động nhân lực nhanh chóng phun thuốc phòng trừ châu chấu ở các nơi có ổ dịch cũ phát sinh, phun thuốc Ofatox, Wavotox…, khoanh vùng không để châu chấu phá hoại sang hoa màu, lây lan ra diện rộng. Đến nay, các địa phương đã phun thuốc phòng trừ được 357/500 ha bị nhiễm.
Ông Đào Quang Hải, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cao Bằng cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục đã chỉ đạo các trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, sớm phát hiện các ổ dịch để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đến nay, các địa phương nhiễm dịch cơ bản được phun thuốc tập trung, khoanh vùng khống chế ổ dịch.
“Chúng tôi đang vận động bà con theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch và thông báo sớm nhất để kịp thời triển khai các biện pháp dập dịch”, ông Đào Quang Hải nói./.