Khẩn cấp ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 08/03/2016 13:56

(ĐCSVN) - Theo Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 3-4/2016, sẽ có thêm 46.333 ha có khả năng bị hạn cao nhất, tập trung cao ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tính đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn với 49.343ha bị thiệt hại.

Thực tế, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino dài nhất đã ghi nhận ở nước ta.

Hạn hán nghiêm trọng ở ĐBSCL (Ảnh: Bộ NN&PTNT)

Bằng chứng là, ngay từ đầu 2016, nhiều khu vực đã bị xâm nhập mặn và hạn hán nghiêm trọng. Dự kiến trong mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn cùng kỳ khoảng gần 2 tháng. Theo đó, từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 đến 45 km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Còn các vùng cách biển từ 45-65 km có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Tuy nhiên, vào thời kỳ triều kém và chân triều có khả năng xuất hiện nước ngọt. Các vùng cách biển xa hơn 70-75 km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần lưu ý trong các đợt triều cường và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, để kiểm soát xâm nhập mặn trong khu vực, nhiều hệ thống công trình thủy lợi, đê ngăn mặn đã được quan tâm đầu tư xây dựng như Quản Lộ-Phụng Hiệp, Tứ Giác Long Xuyên, Ô Môn-Xà No, Nam Măng Thít, Gò Công, Bảo Đinh... Các công trình này đã phát huy hiệu quả cao, góp phần kiểm soát xâm nhập mặn hàng năm, trong điều kiện không quá bất lợi. Với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt đang diễn ra, các công trình này cũng đã góp phần đáng kể để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh thành phố trong khu vực (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình như: Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng lúa bị thiệt hại; Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng sớm từ cuối năm 2015, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của 2 tỉnh này gần 85.000 ha (Cà Mau 50.000ha, Kiên Giang 34.000ha).

Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã tích cực triển khai. Trước tiên, để đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống hạn hán. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để triển khai các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Nhiều Hội nghị, Hội thảo về tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, dịch chuyển thời vụ, phòng, chống cháy rừng cùng nhiều đoàn công tác làm việc cụ thể với các địa phương bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng đã được tổ chức triển khai. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các cống kiểm soát mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ bao, củng cố đê biển, hệ thống cấp nước sinh hoạt…trong các dự án: Hệ thống Thủy lợi Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, phát triển hệ thống thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau và Tứ Giác Long Xuyên.

Nông dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vét nước ngọt cứu lúa (Ảnh: Báo Nhân dân)

Đáng chú ý là hiện Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức Quốc tế (WB, JICA, Chính phủ Hà Lan) rà soát danh mục công trình thủy lợi trên cơ sở Quyết định 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi trong điều kiện BĐKH-NBD; Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình củng cố nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang và Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (MDP) để đưa ra các công trình ưu tiên đầu tư giai đoạn trước mắt và trung hạn 2016-2020. Trong đó, có một số dự án quan trọng như: Thủy lợi Bắc Bến Tre, Dự án chống biến đổi khí hậu, các dự án thuộc Chương trình SPRCC…, với tổng mức đầu tư khoảng gần 15.000 tỷ đồn.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã đề xuất danh mục công trình quan trọng đề nghị đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến hạn hán và đề xuất hỗ trợ kinh phí phòng, chống và khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, nhận định về tình hình thời tiết, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin dự báo, cảnh báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và cháy rừng.

Về phía lãnh đạo các địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, do được cảnh báo về khả năng xuất hiện sớm nên các tỉnh ven biển ĐBSCL đã chủ động triển khai ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ngay từ tháng 10-11/2015. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu đang làm cho tình hình hạn hán, xâm nhập mặn càng nghiêm trọng đòi hỏi nhanh chóng triển khai các giải pháp cấp bách.

Trước mắt, đã điều chỉnh lịch thời vụ Đông Xuân 2015-2016 sớm hơn từ 20 đến 30 ngày so với lịch vụ hàng năm để tránh mặn ở các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Trà Vinh…đồng thời khuyến cáo nhân dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, mặn theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, tăng cường các điểm đo mặn, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng đến  huyện xã, ấp và người dân.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành chỉ thị, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Hiện nay, đã có 06 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng thiên tai là Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Một số địa phương đã chủ động ứng trước vốn dự phòng để triển khai đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, vận chuyển, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước ngọt; điển hình, như: tỉnh Kiên Giang đã chủ động đắp 82/89 đập tạm, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 16 thuyền bơm công suất 32.000 m3/h  để bơm nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công và tổ chức bơm chuyền 02 đến 03 cấp tại 650 điểm bơm, tỉnh Bến Tre đã triển khai phương án chuyển nước ngọt bằng sà lan cho toàn tỉnh (trước mắt là 03 huyện ven biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại); tỉnh Sóc Trăng đang triển khai các phương án cấp nước, tổ chức các điểm cấp nước công cộng miễn phí tại 02 huyện Trần Đề và Vĩnh Châu và đang có giải pháp hỗ trợ máy lọc nước đến các hộ ở các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng …

Tổ chức vận hành hợp lý các hệ thống công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước ngọt khi triều kém phục vụ sản xuất, dân sinh.    

Để đối phó có hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở khu vực ĐBSCL, Bộ NN& PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương coi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay là thiên tai đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, cần huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2016 (số 20/NQ-CP ngày 3/3/2016).

Đặc biệt, nhanh chóng hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả với các nguồn chi trả, hỗ trợ cụ thể: 623.800 triệu đồng hỗ trợ 39 địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng; hỗ trợ 215 tỷ đồng cho các địa phương để mua giống, khôi phục sản xuất cho các diện tích bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương trong khu vực, mỗi địa phương khoảng 50 tỷ đồng (tổng cộng 650 tỷ đồng). Đặc biệt, ư tiên bố trí 1.060 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình, công trình để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, gồm có: Đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), dài 30 km, kinh phí 260 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt: trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang) 250 tỷ đồng; cống Thủ Cựu (Bến Tre) 300 tỷ đồng; Thay thế các cống đóng mở tự động bằng đóng mở cưỡng bức để chủ động lấy nguồn nước ngọt chủ động (khoảng 250 tỷ đồng).

Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ qua Bộ NN&PTNT giai đoạn 2016-2020 cho các dự án quan trọng có tác động liên vùng với tổng kinh phí là 8.000 tỷ đồng, bao gồm: cống Cái Lớn-Cái Bé; cống Tha La-Trà Sư; Âu Ninh Quới và hệ thống chuyển nước cho Nam Quốc Lộ 1A; Kênh Mây Phốp- Ngã Hậu; Sạt lở bờ biển Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; Hệ thống Nam Bến Tre; hệ thống ngăn mặn tiếp ngọt Vũng Liêm-Vĩnh Long; hệ thống ngăn mặn Chắc Băng.

 

Hà Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực