Kiên Giang hạ thủy 13 tàu đóng mới theo Nghị định 67
Thứ tư, 19/10/2016 15:58 (GMT+7)
Đến trung tuần tháng 10, ngư dân tỉnh Kiên Giang đã hạ thủy 13 tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản gồm 12 tàu cá đóng mới, nâng cấp và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt đủ điều kiện vay vốn tín dụng để đóng mới nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 là 58 tàu với tổng vốn đầu tư 493,5 tỷ đồng; trong đó vốn vay hơn 347 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn ký hợp đồng tín dụng cho 19 tàu với số vốn trên 121 tỷ đồng và giải ngân gần 100 tỷ đồng.
Cùng với đó, đến nay đã có 21 tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá khai thác đánh bắt xa bờ. Đồng thời thẩm tra hồ sơ chi trả tiền chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 gần 44 tỷ đồng cho 1.172 tàu, chiếm 27% số tàu thuộc diện được nhận hỗ trợ theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, tiến độ triển khai hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân cho đóng mới, nâng cấp tàu cá giữa chủ tàu với các tổ chức tín dụng thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ hiện quá chậm. Nguyên nhân là do Nghị định 67 quy định rõ các loại nghề khai thác thủy sản nhận hỗ trợ vay vốn bao gồm: lưới rê, lưới vây, chụp mực, câu và dịch vụ hậu cần nghề cá trong khi đó, nghề lưới kéo (còn gọi là nghề cào) là nghề có thế mạnh, truyền thống trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển của ngư dân Kiên Giang không thuộc loại nghề được hỗ trợ vay vốn theo nghị định.
Do vậy, khi nhận được quyết định phê duyệt đủ điều kiện vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu thuyền của UBND tỉnh Kiên Giang, nhiều chủ tàu đã phân vân, tính toán lại hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ ngân hàng. Một số chủ tàu đã trả lại dự án đóng mới, nâng cấp tàu thuyền dù được phê duyệt.
Ngoài ra, theo Công văn số 9443/BNN-TCTS, ngày 18/11/2015 về việc tăng cường quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nêu “Tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo… kể từ ngày 16/11/2015” nên đến thời điểm này, nhiều chủ tàu ở Kiên Giang không vay vốn, trả lại dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, dù đã có thông báo nhiều lần của các tổ chức tín dụng gửi đến các chủ tàu để đôn đốc sớm triển khai thực hiện ký kết hợp đồng và giải ngân theo quy định nhưng chủ tàu không làm thủ tục xin vay vốn. “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tiến hành kiểm tra, rà soát tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh loại bỏ các trường hợp không làm thủ tục xin vay vốn, trả lại dự án để phân bổ cho các chủ tàu khác có nhu cầu" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết./.
Lê Huy Hải/TTXVN