Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.H)
Tuy nhiên, ở một số tỉnh sản xuất thuần nông, khi sản phẩm làm ra, bà con nông dân vẫn lao đao với bài toán tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thực tế triển khai một số mô hình liên kết 4 nhà là năng lực hoạt động của cả nhà sản xuất và nhà tiêu thụ còn yếu kém. Nếu không có sự tham gia quyết liệt, mạnh mẽ hơn của Nhà nước thì việc liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân sẽ rơi vào thế bế tắc. Giải pháp cho vấn đề này, trước hết cần sớm xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, trong đó hoạch định được các ngành nghề, lĩnh vực và các nhóm đối tượng sản phẩm tiêu thụ tại địa bàn trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Chiến lược phát triển nông nghiệp cần dựa trên nền tảng của việc khai thác những điều kiện thuận lợi về tư liệu, nguồn lực và môi trường sản xuất đồng thời chú trọng đến việc bồi đắp nguồn tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn những tiềm năng để phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Các ngành chức năng chỉ đạo, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và kiên quyết để thực hiện các chính sách một cách hiệu quả. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các chương trình, hoạt động thực hiện liên kết 4 nhà, xem đây là vấn đề cốt lõi để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Một vấn đề quan trọng nữa, đó là đội ngũ cán bộ các cấp cần thay đổi tư duy, cách làm để đến với người dân bằng tấm lòng nhiệt tình và phương pháp, kỹ năng làm việc hiệu quả. Có như vậy, chính sách, nguồn lực mới đến được với người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tiêu thụ nông sản. Không nhiều nông dân có đủ năng lực để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trong khi đó, nhà tiêu thụ bao giờ cũng yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chí về số lượng và chất lượng. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện thúc đẩy thành lập các hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã để tập hợp nhiều thành viên cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trong những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã đã tập trung phát triển các loại hình kinh tế tập thể để thúc đẩy quá trình liên kết trong sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư hỗ trợ để nâng cao năng lực và đưa chính sách ưu đãi đến với các loại hình kinh tế tập thể, làm nền tảng thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa.
Cần có sự liên kết thực chất. Yêu cầu về lộ trình cho tái cơ cấu nông nghiệp đã được chỉ ra: Cần đổi mới tư duy quản lý là trước tiên, rồi xác định đúng vị trí người nông dân là chủ thể chính, nghiên cứu nhu cầu thị trường. Nếu làm được 3 bước quan trọng nêu trên, để đáp ứng được thị trường, cỗ máy sản xuất và tiêu thụ nông sản cần được vận hành đúng.
Trước hết, tái cơ cấu về thể chế, thực chất là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, trong đó thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, với chủ đạo là kinh tế hợp tác xã hoặc kinh tế tổ sản xuất. Mặc dù không có doanh nghiệp thì rất khó kéo sản xuất phát triển lên, nhưng doanh nghiệp mà không có hợp tác xã, không có kinh tế tập thể thì cũng không phát triển được. Nói cách khác, giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp muốn tiến lên thì phải tiến đồng thời cả ba.
Một hành động không thể thiếu nhằm hỗ trợ nông nghiệp tiến lên, đó là sự liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia làm nông nghiệp. Sự khó bắt tay giữa doanh nghiệp và nông dân tại nhiều tỉnh, thì thấy điểm nghẽn là không có cơ sở xây dựng niềm tin để các bên hợp tác với nhau.
Dường như, nếu chỉ nói liên kết 4 nhà là không còn phù hợp. Cần phải có thêm tổ chức kinh tế của nông dân là hợp tác xã do nông dân lập ra và nó phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Vì dù sao, doanh nghiệp vẫn là kinh doanh vì lợi nhuận, không thể làm dịch vụ phi lợi nhuận cho nông dân. Nhà nước và nhà khoa học cũng không thể trực tiếp làm hộ cho nông dân được.
Như vậy, 4 nhà hay 5 nhà hoặc con số nào đó không quá quan trọng. Cái cần cho nền nông nghiệp bền vững phải là thực chất hóa các mối liên kết. Vì nhà nào cũng có vai trò quan trọng nếu nó làm tròn trách nhiệm của mình. Nhà nào cũng phải hành xử theo luật pháp. Khi bắt tay liên kết, các nhà đều phải tạo dựng và giữ chữ tín, cùng có lợi. Qua quá trình liên kết bước đầu ở một số địa phương đã chứng minh, liên kết là xu hướng, là cách hiệu quả nhất để phát triển nông nghiệp bền vững.
Và dù gì, Nhà nước vẫn phải luôn là “nhạc trưởng”. Vì các mối liên kết không thể bền vững chỉ dựa niềm tin. Nó cần cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà nước cần đầu tư, tạo hành lang chính sách để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khác trong hoặc ngoài nước có thuận lợi nhất trong việc đầu tư vào nông nghiệp. Vì rào cản lớn cho đầu tư ngoài nhà nước vào nông nghiệp hiện là thời gian hoàn vốn lâu, rủi ro cao. Nguyên nhân là Nhà nước thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Nếu thấy tư nhân chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp mà Nhà nước quay ra lấy tiền ngân sách để đầu tư thì đó lại là một sai lầm. Tức là, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Hơn nữa, Nhà nước chỉ cần có chính sách định hướng vĩ mô, còn phân quyền cho các địa phương tự chủ, tự quyết chi tiết. Nhà nước sẽ giám sát địa phương thực hiện và kiểm định kết quả.