Năm 2016: Ứng phó trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong sản xuất trồng trọt ở ĐBSCL

Thứ ba, 23/02/2016 15:11
(ĐCSVN) – Vài năm trở lại đây, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng xâm nhập mặn đã lấn sâu vào các cửa sông chính và xâm nhập mặn có dấu hiệu gia tăng, nhất là vào giai đoạn mùa khô vụ Đông Xuân và Hè Thu hằng năm.

Xâm nhập mặn và hạn tại Bến Tre (Ảnh: tinmoitruong.vn)

Vùng ven biển ĐBSCL có nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, những khu vực trồng lúa từ bờ biển kéo dài đến 50-70 km, như việc xâm nhập mặn trong những năm gần đây và những tháng đầu năm 2016. Diện tích bị ảnh hưởng có thể đạt đến 350.000 ha đất trồng lúa. Các yếu tố làm cho nguy cơ thiệt hại trong trồng lúa sẽ cao hơn khi hệ thống thủy lợi ven các sông lớn chưa chắc chắn, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa khép kín, các công trình điều tiết nước ngọt, mặn chưa hoàn chỉnh.

Cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống lúa không phù hợp sẽ làm cho ảnh hưởng tiêu cực của xâm nhập mặn tăng cao hơn. Thời điểm xuống giống lúa cho từng vùng ảnh hưởng mặn của từng tỉnh khác nhau, các giống lúa sử dụng cũng khác nhau về thời gian sinh trưởng, về phẩm chất và quan trọng hơn là có rất ít giống lúa có khả năng chống chịu với khô hạn và nồng độ mặn vượt hơn 4 ‰ trong khoảng thời gian dài là những yếu tố giới hạn cho việc khắc phục những ảnh hưởng của hạn, mặn.

Với những dự báo về biến đổi khí hậu và mực nước dâng cao, xâm nhập mặn sẽ có nhiều nguy cơ tăng về cường độ, nồng độ lẫn chiều sâu và như vậy vùng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng ở ĐBSCL có thể lớn hơn. Do vậy, song song với kịch bản nước biển dâng cần xây dựng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động ứng phó với tình trạng hạn mặn trước mắt và trong tương lai.

Thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất trồng trọt nhất là sản xuất lúa, gạo ĐBSCL năm 2016 đang phải đối mặt với những vấn đề về tình hình khô hạn, xâm nhập mặn; mở rộng thị trường gạo xuất khẩu sang các quốc gia có yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cao; cạnh tranh về giá cả với các nước tham gia xuất khẩu gạo; bước đầu thực hiện tái cơ cấu và xây dựng thương hiệu gạo.

Do đó, yêu cầu đặt ra là những khó khăn và thách thức trong việc duy trì diện tích chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cần được khắc phục để ổn định.

Từ tình hình thực tế và qua phân tích đánh giá, Cục Trồng trọt nhận định rằng, tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến quá trình trổ, chín của lúa Đông Xuân vì không thể sử dụng nước mặn để cung cấp cho lúa vào cuối vụ có thể gây thất thu hoàn toàn; Ảnh hưởng gián tiếp làm rối loạn các quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất lúa; Ảnh hưởng đến canh tác lúa trong hệ thống lúa – tôm. Về lâu dài, làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo.

Cũng theo Cục Trồng trọt, tình hình hạn và xâm nhập mặn của 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang khá nghiêm trọng. Trong đó, vụ lúa mùa 2015, diện tích bị hạn, mặn chủ yếu trên chân đất lúa - tôm của tỉnh Kiên Giang với diện tích bị ảnh hưởng là 57.899 ha. Vụ lúa Thu Đông 2015, diện tích bị hạn, mặn 25.172 ha, chủ yếu trên đất lúa Thu Đông muộn của tỉnh Cà Mau với diện tích thiệt hại ước trên 18.404 ha và Bạc Liêu: 5.781 ha. Riêng vụ Đông xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng 339.234 ha, chiếm 35,51% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,88% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731 ha, chiếm 10,90% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

Cục Trồng trọt cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 của 4 tỉnh (Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang) từ ngày 26-27/01/2016. Kết quả kiểm tra cho thấy diện tích lúa ĐX 2015-2016 bị hạn, mặn của 4 tỉnh khoảng 58.311 ha. Trong đó diện tích lúa thiếu nước tưới: 10.691 ha; diện tích lúa thiếu nước tưới các tháng tiếp theo ước khoảng: 47.620 ha. Tổng hợp diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016 bị hạn, mặn của 8 tỉnh ven biển từ nay đến cuối vụ sản xuất là 94.194 ha.

Một số giải pháp chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Trước những ảnh hưởng nặng nề do mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay và nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tới, biện pháp khẩn cấp được các tỉnh triển khai là hạn chế xâm nhập mặn các diện tích lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập.

Các địa phương cần chủ động phối hợp khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống hạn, mặn; nạo vét kênh mương, vệ sinh rong cỏ, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh. Đồng thời có kế hoạch đắp đập, chuẩn bị đủ máy bơm để bơm trữ nước trên kênh, trên đồng trước khi cống đầu mối đóng ngăn mặn, tổ chức bơm hai cấp khi mực nước xuống thấp. Các đơn vị làm công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn, tổ chức triển khai tất cả nguồn lực, nhân lực, các biện pháp phòng, chống hạn, mặn nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Đối với vùng ảnh hưởng thuỷ triều, phải tăng cường theo dõi chất lượng nước, xâm nhập mặn tại các cửa cống lấy nước, thường xuyên tổ chức đo mặn, tranh thủ những lúc mặn thấp để mở cống lấy nước, khi nguồn nước sông đảm bảo lưu lượng có thể mở cống lấy nước vào các hệ thống sông ngòi để lấy nước và đẩy mặn. Với những vùng mặn xâm nhập sâu thì chuyển đổi sang các hình thức sản xuất khác như nuôi trồng thuỷ sản. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống hạn hán các cấp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành có hiệu quả.

Nông dân than trời vì vụ hạn hán, xâm nhập mặn (Ảnh: tinmoitruong.vn)

Trước mắt, Cục Trồng trọt yêu cầu, đối với sản xuất lúa, cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho Hè Thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Về cơ cấu giống: ngoài các ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới loại giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình-khá… Có thể xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn mặn, trồng lúa kém hiệu quả: sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, lựa chọn cácgiống cây trồng chịu hạn mặn, sử dụng ít nước

Đặc biệt, cần sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa...); điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Cũng như hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn phổ biến rộng rãi trong toàn vùng  ĐBSCL.

Đối với sản xuất cây ăn quả, không tiến hành rải vụ, kéo dài thời gian giữa hai lần tưới (hạn chế, không tưới nước nhiễm mặn có độ mặn > 2/1000 trong thời gian nhiễm mặn; Tạo lớp màng phủ để giữ ẩm cho cây trồng, có thể dùng rơm, rạ, cỏ, lục bình…phủ lên gốc để giữ ẩm cho cây. Với những diện tích trồng mới nên thực hiện trong mùa mưa, không thực hiện trong mùa khô và giai đoạn xâm nhập mặn, đối với cây mới trồng cần dùng các biện pháp che bóng cho cây. Trong thời điểm nhiễm mặn cần tăng cường bón phân hữu cơ và lân, kali hạn chế bón phân hoá học khác. Nơi có điều kiện tiến hành đắp bờ ngăn mặn và tích nước ngọt trong các kênh mương để tưới cho cây hoặc giếng khoan sử dụng nước ngầm. Áp dụng kỹ thuật tưới nước tiên tiến, tiết kiệm (tưới nhỏ giọt) đối với cây công nghiệp và cây ăn trái. Song song với các biện pháp trên tiến hành tạo tán, tỉa cành để giảm thoát hơi nước và để duy trì cây sử dụng ít nước trong thời gian xâm nhập mặn.

Đối với thủy lợi, các tỉnh cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn tổ chức lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kênh; thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nước  trên hệ thống kênh rạch nội đồng. Nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ. Theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả; tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép. Tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

 

HA.NV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Danh sách bình luận (1)
ĐT
ĐỖ THỊ TRANG - 21/03/2016 19:55
Nếu cháu có thể góp ý một phương án giúp giải quyết vấn đề hạn hán ở một số nơi thì mọi người có muốn nghe không ạ? Nếu có xin hãy liên lạc với cháu. Số điện thoại cháu là 01657116432