Nâng cao chất lượng sản phẩm ồi để hội nhập quốc tế

Thứ sáu, 30/09/2016 16:54
Hồi là cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm hoa hồi từ lâu đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Lạng Sơn. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, sản phẩm hoa hồi xứ Lạng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nông Nghiệp 

Cây hồi là cây lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm chính của cây hồi là quả và tinh dầu làm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hồi đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị với giá khoảng 2.000 USD/1 tấn quả khô và 20.000 USD/1 tấn tinh dầu. Cây hồi cho thu hoạch quả (hoa) khi cây được 7-10 năm tuổi, khi cây đạt 15-30 năm tuổi năng suất cao từ 15-30 kg quả/cây/năm tương đương với năng suất trung bình đạt 8 - 10 tấn quả/ha/năm, thu nhập có thể lên đến 50- 80 triệu đồng/ha/ năm, cho giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác trên đất lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định cây hồi là cây đa mục đích, vừa có tác dụng phòng hộ, bảo vệ môi trương, là dược liệu quý, quả còn làm gia vị; cần được quy hoạch vùng trọng điểm, tập trung, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cây hồi, phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đến hết năm 2015, Lạng Sơn có 33.503 ha hồi, chiếm 70% so với diện tích rừng hồi cả nước. Diện tích cho thu hoạch trên 20.000 ha, khả năng mở rộng diện tích còn rất lớn. Hàng năm, hồi mang lại thu nhập khoảng 200 đến 300 tỷ đồng cho trên 15.000 hộ dân ở tỉnh Lạng Sơn. Hồi được trồng nhiều tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Cao lộc, Tràng Định và Văn Lãng, Hồi trồng ở các huyện này có chất lượng tốt nhất và nổi tiếng với tên gọi “Hồi xứ Lạng”.

Huyện Văn Quan được xem là rốn của vùng Hồi Xứ Lạng, chiếm 1/3 diện tích cây hồi toàn tỉnh. Văn Quan với 9.800 ha rừng hồi, trong đó có 8.260 ha đã cho thu hoạch, nhờ vậy sản lượng hàng năm đã tăng lên trên 5.000 tấn hoa hồi tươi.

Quản lý diện tích rừng hồi chủ yếu là các hộ gia đình, chăm sóc sử dụng, khai thác. Tuy nhiên với diện tích 33.503 ha có 1/3 diện tích đã trồng lâu năm, cây già cỗi năng suất thấp, cần được đầu tư cải tạo và chăm sóc. Trước đây người dân trồng hồi tự phát, không theo quy hoạch hay nhu cầu thực sự của thị trường. Đa số nông dân trồng hồi chưa được qua đào tạo về phương pháp canh tác bền vững, về kỹ thuật thu hái, bảo quản sản phẩm cũng như hiểu biết tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thị trường yêu cầu. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ít được thực hiện và gặp nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Nhung, Hội viên Hội Hồi xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước đây, do công nghệ canh tác, khai thác, chế biến còn lạc hậu, năng suất thấp, nhanh thoái hóa, thị trường tiêu thụ cũng như giá cả không ổn định nên việc mở rộng diện tích cũng như nâng cao năng suất chất lượng rừng hồi chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng. Những năm gần đây, người dân đã có nhận thức rằng cây hồi và các sản phẩm của hồi có giá trị kinh tế cao, là một trong những nguồn thu chủ yếu, tăng thu nhập của hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Từ năm 2010 trở lại đây chính quyền địa phương đã quan tâm quy hoạch vùng trồng hồi một cách bài bản hợp lý, sản xuất chế biến nâng cao chất lượng quả, tinh dầu hồi và các mặt hàng chế xuất từ sản phẩm hồi càng được chú trọng. Ông Lương Đình Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết, cây hồi của Văn Quan từ lâu được xác định là cây chiến lược... Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã quan tâm quy hoạch vùng trồng hồi một cách bài bản hợp lý, sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng quả, tinh dầu hồi và các mặt hàng chế xuất từ sản phẩm hồi.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc dự án Gia vị cuộc sống cho biết, hiện nay hoa Hồi Lạng Sơn rất có triển vọng mở ra thị trường mới. Nó chính là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Hồi đang là một nguồn nguyên liệu chính bào chế thuốc Taminflu kháng virus cúm. Các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã đến Lạng Sơn, Bộ Y tế cũng đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này. Do vậy thị trường Mỹ, Thụy Sỹ, Nga, Ấn Độ và các nước châu Phi là những thị trường tiềm năng nhập khẩu các sản phẩm hồi của Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch Hội Chế biến và sản xuất, kinh doanh Hồi Lạng Sơn cho biết, cùng với Kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị cây Hồi giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Lạng Sơn, việc tổ chức Lễ hội Hồi để quảng bá, tạo cơ hội giao thương, tăng kinh nghiệm chăm sóc, chế biến cây hồi và các sản phẩm từ hồi một cách khoa học cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển biến tích cực cho ngành hồi tỉnh Lạng Sơn; qua đó, dần khẳng định được thương hiệu hoa Hồi xứ Lạng trên trường quốc tế.

Cùng với chiến lược quy hoạch vùng sản xuất hồi thành vùng sản xuất hàng hóa đồng thời tăng cường quảng bá và hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm hoa Hồi xứ Lạng đã dần tìm được chỗ đứng, tiếp cận được với thị trường tỉnh bạn như Bắc Giang, Bắc Ninh và xuất khẩu sang Ấn Độ, Hà Lan. Đây là tín hiệu vui chứng minh “cây chủ lực” của xứ Lạng đang phát triển bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu của loại cây đặc sản miền núi phía Bắc trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa phương./.

Hoàng Nam/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực