Theo đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp này sẽ giúp ngành chăn nuôi heo khu vực Nam bộ ổn định, phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
TS Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc TTKNQG phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: C.Đ)
Những thông tin trên được khẳng định trong khuôn khổ Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất trong chăn nuôi heo khu vực Nam bộ” diễn ra cuối tháng 9 vừa qua tại Bến Tre. Diễn đàn do Trung tâm khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với tỉnh Bến Tre tổ chức.
Diễn đàn quy tụ về nhiều bà con nông dân của 7 tỉnh khu vực phía Nam có thế mạnh về chăn nuôi heo là: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bình Dương.
Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), khu vực Nam bộ có tổng đàn heo gần 7 triệu con, chiếm 24,7% so với cả nước. Trong đó, vùng Đông Nam bộ 3,3 triệu con và ĐBSCL 3,5 triệu con. Riêng tại Bến Tre, những năm qua, chăn nuôi đã trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người chăn nuôi, phát triển kinh tế – xã hội.
Áp dụng khoa học công ngệ, giữ vệ sinh chuồng trại tốt giúp heo tăng trưởng hiệu quả (Ảnh minh họa: HNV) Trong khi đó, báo cáo của Sở NN&PTNT Bên Tre thì nêu rõ, trên địa bàn tỉnh này hiện chăn nuôi heo có bước phát triển đáng kể. Tổng số lượng đàn heo toàn tỉnh trên 500.000 con, tập trung nhiều nhất tại các huyện Mỏ Cày Nam gần 250 ngàn con, huyện Mỏ Cày Bắc khoảng 123 ngàn con và huyện Giồng Trôm trên 75 ngàn con. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Sở NN&PTNT đã từng bước triển khai các mô hình khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi heo. Phương thức chăn nuôi thay đổi từ nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại và có sự liên kết 4 nhà thông qua các tổ hợp tác. Đến nay, tỉnh Bến Tre có 197 trang trại chăn nuôi heo được cấp chứng nhận và 1 THT được chứng nhận nuôi heo VietGAP.
Tuy nhiên, chăn nuôi heo khu vực Nam bộ vẫn còn nhiều hạn chế về vấn đề sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi; việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trên heo còn khó khăn, mô hình phát triển THT và HTX còn chậm; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn hạn chế, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo…Do đó, theo các đại biểu tham dự Diễn đàn, để ngành chăn nuôi heo khu vực Nam bộ phát triển, cạnh tranh với các nước có truyền thống chăn nuôi trên thế giới trong thời kỳ hội nhập, cần tập trung đầu tư khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thực hiện tốt các cơ chế chính sách, giải pháp và rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đó sẽ giúp ngành chăn nuôi heo khu vực Nam bộ ổn định, phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới./.