Nghệ An: Tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản

Thứ tư, 21/12/2016 15:58
(ĐCSVN) - Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, trong năm 2016, tuy dịch bệnh thủy sản có bùng phát nhưng tỉnh đã chủ động trong công tác phòng, chống. Tuy nhiên, để làm tốt hơn công tác này, tỉnh vẫn cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Nghệ An là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn với diện tích nuôi trồng trên 21.000ha, trong đó, diện tích nuôi mặn lợ gần 1.600ha (tôm nuôi 1.320ha). Toàn tỉnh có 40 xã, phường thuộc 5 huyện, thành, thị nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng: Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tập trung ở các địa phương Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Diện tích nuôi mặn, lợ năm 2016 đạt 2.479ha, bằng 101% kế hoạch và bằng 101% so cùng kỳ năm 2015.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Về sản xuất, ương gièo cung ứng tôm giống, toàn tỉnh có 95 trại/22 cơ sở sản xuất, ương gièo tôm giống. Năm 2016, sản xuất tôm giống ước đạt 1.402 triệu con, bằng 117% kế hoạch, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, tôm sú đạt 227 triệu con, tôm thẻ đạt 1.175 triệu con.

Năm 2016, bệnh tôm nuôi xuất hiện đầu tiên vào tháng 4/2016, đến nay bệnh đã xảy ra tại 619 đầm ở 20 xã thuộc 5 huyện, thành, thị; tổng diện tích bị bệnh là 237,87ha. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, từ đầu vụ nuôi nắng nóng, xen lẫn những ngày có gió mùa, nhiệt độ xuống thấp, diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài trên 39 độ C đã ảnh hưởng đến việc nuôi tôm.

Bên cạnh đó có thể thấy, tuy diện tích nuôi khá lớn nhưng hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều khó khăn. Trong đó, quy hoạch cơ sở, hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ, nguồn nước để nuôi tôm nhiều vùng nuôi không chủ động, bị ô nhiễm. Cùng với đó, kế hoạch phòng chống dịch bệnh được tỉnh phê duyệt chưa bố trí kinh phí để có hóa chất, vật tư trong phòng, chống dịch. Hệ thống cán bộ thú y huyện, xã thiếu, hạn chế về năng lực (cán bộ thú y xã kiêm nhiệm cả thú y và thú y thủy sản). Phụ cấp cho cán bộ thú y xã ít hoặc không có nên các hoạt động giám sát dịch bệnh, báo cáo, điều tra ổ dịch đạt hiệu quả chưa cao.

Ý thức người nuôi còn hạn chế, không tuân thủ quy trình nuôi cũng như quy trình phòng, chống dịch, nhiều lúc chưa phối hợp trong công tác lấy mẫu xét nghiệm. Chính quyền một số xã chưa quan tâm trong công tác thú y thủy sản, còn giao cho nhân viên thú y xã là chính. Một số hộ thả giống trực tiếp xuống ao nuôi không qua ương gieo nên không kiểm soát được mầm bệnh hoặc chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi, chưa nghiêm túc trong công tác khai báo bệnh, dập dịch khử trùng tiêu độc trước và sau khi bệnh xảy ra.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, Chi cục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về dịch tễ học cho cán bộ, nhân viên Thú y tỉnh, huyện; có nguồn hóa chất dự phòng, hỗ trợ cho các tỉnh chống dịch ngay khi có đề xuất của các địa phương. Đồng thời sớm ban hành Kế hoạch giám sát dịch bệnh quốc gia để các Chi cục căn cứ xây dựng Kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực