Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
Hiện nay, nông dân trong tỉnh chuẩn bị vào sản xuất vụ nuôi tôm này. Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương chuẩn bị mọi điều kiện, triển khai đồng bộ những giải pháp hỗ trợ nông dân nuôi tôm an toàn, bền vững, hiệu quả.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, cho hay Sở tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng kết hợp các địa phương tăng cường giám sát vùng nuôi, nhất là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh để kịp thời xử lý các tình huống xấu phát sinh gây hại tôm nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn kết hợp chủ động các giải pháp ứng phó nhanh nhạy, hiệu quả. Tỉnh tăng cường khuyến ngư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình nuôi tôm tiên tiến, hiệu quả vào sản xuất. Bên cạnh đó, quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống, cung ứng giống tốt, sạch bệnh cho nông dân thả nuôi. Tổ chức lại các vùng nuôi tôm trọng điểm theo hướng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, gắn doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với vùng nguyên liệu.
Trên vùng Tứ giác Long Xuyên, ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp đạt diện tích 3.000 ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Một số khu vực ven biển huyện Hòn Đất trồng lúa năng suất thấp, hiệu quả kém chuyển sang sản xuất tôm - lúa. Cùng với đó, tỉnh triển khai đề án, chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên. Trên vùng sản xuất này, hoàn thành các hạng mục công trình, dự án hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn; tiếp tục triển khai dự án cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản Bình Trị (Kiên Lương) phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Vùng U Minh Thượng thả nuôi 89.000 ha theo mô hình tôm - lúa, tôm càng xanh xen canh tôm sú và khoảng 22.000 ha nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao… Trên vùng sản xuất đó, hoàn thành dự án cơ sở hạ tầng nuôi tôm công nghiệp Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận); thi công hoàn thành 5/6 cống thủy lợi đang triển khai trên tuyến đê biển An Biên - An Minh kết hợp khởi động thực hiện 25 dự án, công trình cống thủy lợi khác để khép kín tuyến đê biển này, tổ chức sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành những công trình thủy lợi trọng yếu, bức xúc trên địa bàn để đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững và hiệu quả.
Theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, kết thúc sản xuất vụ nuôi tôm nước lợ 2016, tỉnh thả nuôi trên diện tích 106.610 ha; trong đó nuôi tôm công nghiệp 1.898 ha, quảng canh - quảng canh cải tiến 21.210 ha và tôm - lúa hơn 83.500 ha. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi ước đạt 56.862 tấn, đạt kế hoạch năm, tăng 8,9% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Tâm, cho biết mặc dù diện tích, sản lượng thu hoạch tôm nuôi năm 2016 đạt kế hoạch, tăng so với năm trước nhưng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân do đầu vụ nuôi tôm diễn biến thời tiết bất thường, nắng hạn gay gắt kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu, điều kiện môi trường nuôi tôm bất lợi, dịch bệnh phát sinh khó kiểm soát, giá tôm nguyên liệu giảm thấp nên hộ nuôi tôm, doanh nghiệp không thả giống. Tình hình thời tiết, môi trường bất lợi đó đã gây thiệt hại 13.772 ha tôm nuôi trên địa bàn tỉnh./.