Về nông nghiệp, sản lượng lúa cả năm 2016 ước tính đạt 43,6 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2015[3] do diện tích gieo cấy đạt 7,8 triệu ha, giảm 40 nghìn ha; năng suất đạt 56 tạ/ha, giảm 1,6 tạ/ha. Nếu tính thêm 5,2 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm nay ước tính đạt 48,8 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2015.
Trong sản xuất lúa, diện tích gieo cấy lúa đông xuân năm nay đạt 3,1 triệu ha, giảm 30 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; năng suất đạt 63 tạ/ha, giảm 3,5 tạ/ha nên sản lượng đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn. Sản xuất lúa đông xuân năm nay giảm so với vụ đông xuân trước cả về diện tích, năng suất và sản lượng chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long[4]. Diện tích gieo cấy lúa hè thu và thu đông đạt 2,8 triệu ha, tăng 23,9 nghìn ha so với năm trước; năng suất đạt 53,5 tạ/ha, giảm 0,6%; sản lượng đạt 15 triệu tấn, tăng 34 nghìn tấn so với năm 2015[5].
Diện tích gieo cấy lúa mùa của cả nước đạt 1,9 triệu ha, giảm 33,5 nghìn ha so với vụ mùa năm trước do khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng thời tiết hạn hán, thiếu nước đầu vụ; một số tỉnh phía Nam phải chuyển đổi mùa vụ do ảnh hưởng xâm nhập mặn và hạn hán lâu ngày. Năng suất lúa mùa năm nay ước tính đạt 48,4 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng ước tính đạt 9,2 triệu tấn, giảm 243 nghìn tấn. Một số địa phương sản lượng lúa mùa giảm mạnh so với năm trước: Kiên Giang giảm 175 nghìn tấn; Vĩnh Phúc giảm 33 nghìn tấn; Bến Tre giảm 25,7 nghìn tấn; Sóc Trăng giảm 19,7 nghìn tấn; Long An giảm 12 nghìn tấn.
Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm đạt 2,2 triệu ha, tăng 16,2 nghìn ha so với năm 2015, trong đó một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có xu hướng phá bỏ cây cao su già cỗi, chuyển đổi sang trồng tiêu và một số cây trồng khác. Diện tích trồng cây cao su năm 2016 ước tính đạt 976,4 nghìn ha, giảm 0,9% so với năm trước; sản lượng đạt 1.032,1 nghìn tấn, tăng 1,9%; hồ tiêu diện tích đạt 124,5 nghìn ha, tăng 22,5%, sản lượng đạt 193,3 nghìn tấn, tăng 9,4%; cà phê diện tích đạt 645,4 nghìn ha, tăng 0,3%, sản lượng đạt 1.467,9 nghìn tấn, tăng 1%; điều diện tích đạt 293 nghìn ha, tăng 0,9%, sản lượng đạt 303,9 nghìn tấn, giảm 13,7% do ảnh hưởng thời tiết khô hạn kéo dài, một số khu vực chịu ảnh hưởng của sương mù nên đợt ra bông đầu tiên năm nay bị mất trắng.
Đáng chú ý, cây ăn quả năm nay đạt khá, nhiều nhóm cây có diện tích cho sản phẩm tăng[6] và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Sản lượng cam năm 2016 đạt 627,1 nghìn tấn, tăng 10,8% so với năm trước; quýt đạt 172,4 nghìn tấn, tăng 6,9%; bưởi đạt 500,3 nghìn tấn, tăng 6,1%; xoài đạt 724,4 nghìn tấn, tăng 3,1%; chuối đạt 1.977 nghìn tấn, tăng 1,7%. Riêng sản lượng nhãn, vải đạt thấp do nhiều cây trồng không mang lại hiệu quả bị chặt bỏ ở miền Bắc và sâu bệnh tại các tỉnh phía Nam.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm diễn biến tích cực, dịch bệnh được khống chế; giá bán sản phẩm duy trì ở mức có lợi cho người nuôi. Hình thức nuôi chuyển dịch theo hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, liên kết với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2016, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, giảm 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,5 triệu con, tăng 2,4%, riêng đàn bò sữa đạt 282,9 nghìn con, tăng 2,8%; đàn lợn có 29,1 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm có 361,7 triệu con, tăng 5,8%. Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá, trong đó sản lượng thịt trâu đạt 86,6 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt bò đạt 308,6 nghìn tấn, tăng 3,1%; sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng 5%; sản lượng thịt gia cầm đạt 961,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng trứng gia cầm đạt 9.446,2 triệu quả, tăng 6,4%.
Cây ăn quả đạt kết quả khá, gần như chiếm tỷ trọng xuất khẩu tuyệt đối của ngành (Ảnh: PV)
Về lâm nghiệp, năm 2016, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 231,2 nghìn ha, giảm 3,9% so với năm 2015, trong đó một số địa phương có diện tích rừng trồng tập trung giảm nhiều: Hà Giang giảm 8,9 nghìn ha (giảm 40,3%); Tuyên Quang giảm 3,3 nghìn ha (giảm 24%); Thanh Hóa giảm 2,2 nghìn ha (giảm 17,3%). Số cây lâm nghiệp trồng phân tán cả năm đạt 154,5 triệu cây, giảm 4,2% so với năm 2015.
Sản lượng gỗ khai thác năm 2016 ước tính đạt 9.568 nghìn m3, tăng 10,3% so với năm trước, trong đó một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 866 nghìn m3, tăng 21,2%; Bắc Giang đạt 501 nghìn m3, tăng 25,3%; Thanh Hóa đạt 499 nghìn m3, tăng 25,4%. Sản lượng củi khai thác đạt 27,1 triệu ste, giảm 0,4% so với năm 2015.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng do thời tiết hạn hán, nắng nóng kéo dài nên tình trạng cháy rừng tiếp tục xảy ra. Diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước năm 2016 là 4.519 ha, gấp 2,4 lần so với năm 2015, trong đó diện tích rừng bị cháy là 3.320 ha, gấp 3,1 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 1.199 ha, tăng 47,5%. Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Điện Biên 969 ha; Sơn La 919 ha; Hà Giang 226 ha; Yên Bái 194 ha; Bình Định 182 ha; Hà Tĩnh 113 ha.
Trong lĩnh vực thủy sả, sản lượng thuỷ sản năm 2016 ước tính đạt 6.728,6 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm trước, trong đó cá đạt 4.843,3 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 823,9 nghìn tấn, tăng 3,3%.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản những tháng đầu năm gặp khó khăn do thời tiết thay đổi thất thường, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thị trường xuất khẩu giảm mạnh, giá thu mua sản phẩm không ổn định. Những tháng cuối năm, tình hình đã khởi sắc hơn nhưng nhìn chung kết quả nuôi trồng thủy sản cả năm đạt thấp. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2016 ước tính đạt 3.604,3 nghìn tấn, tăng 2,6% so với năm trước, trong đó cá đạt 2.576,8 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 649,3 nghìn tấn, tăng 3,4%.