Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên
Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình là một điển hình trong số các hợp tác xã của tỉnh trong liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn.
Hiện nay, xã Khánh Thành có 3 tổ hợp chăn nuôi với 256 thành viên; trong đó, riêng Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành được thành lập năm 2014 với 27 thành viên ban đầu và đến nay số thành viên tham gia đã tăng lên 45 thành viên. Tổ hợp tác này được thành lập với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của những hộ chăn nuôi lợn sạch, cung ứng cho thị trường sản phẩm thịt chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ khi thành lập, Tổ hợp tác luôn hoạt động khép kín từ khâu cung ứng con nuôi cho đến khâu chăm sóc, cung cấp thức ăn và cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm đã đem lại lợi nhuận nhất định cho các thành viên. Sản phẩm đầu ra được đảm bảo ổn định ở trong và ngoài nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Trung Quốc… Tổ hợp tác phát triển và hoạt động hiệu quả còn giúp các thành viên chủ động sản xuất, tránh được rủi ro và tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định.
Gia đình ông Phạm Văn Đoàn, xóm 6, xã Khánh Thành là một trong những thành viên của Tổ hợp tác với tổng thu nhập mỗi năm gần 700 triệu đồng. Khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Đoàn được chia ô với 2 chuồng lớn, bố trí rất ngăn nắp, khoa học, sạch sẽ và được đầu tư hệ thống làm mát, hệ thống thoát nước, hầm biogas. Ông Đoàn phấn khởi cho biết: “Sau tham gia Tổ hợp tác, chúng tôi được tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn phương pháp chăn nuôi lợn an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, được đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn chăn nuôi sạch, giàu dinh dưỡng; giúp năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra tăng hơn so với trước, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Hiện nay, Tổ hợp tác đã có khoảng trên 600 lợn nái, gần 6.000 lợn thịt và hàng nghìn lợn giống, bình quân thu nhập của mỗi thành viên đạt 400 - 600 triệu đồng/năm. Lượng con giống không chỉ đủ cung cấp cho các thành viên mà còn xuất bán cho các các trang trại, gia trại trong và ngoài tỉnh. Đạt được thành công như hiện nay là cả một quá trình dài đòi hỏi sự cố gắng và đoàn kết của các thành viên trong Tổ hợp tác. Thành công này là từ sự nhạy bén với thị trường, hợp tác chặt chẽ, tận dụng tốt cơ hội, tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao được giá trị sản phẩm, tạo tính cạnh tranh, tiến đến phát triển ổn định và bền vững.
Ông Phạm Văn Sinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, khi tham gia vào Tổ hợp tác, các thành viên phải ký cam kết bảo đảm chăn nuôi lợn sạch và an toàn thực phẩm. Các thành viên được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Tổ hợp tác cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất con nuôi, cùng nhau phát triển.
Ông Phạm Văn Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết, xã Khánh Thành có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín. Thời gian qua, UBND xã Khánh Thành đã hỗ trợ về tài chính, vốn vay dài hạn, máy móc hiện đại, tạo quỹ đất, đưa các loại thức ăn chăn nuôi an toàn vào chăn nuôi cho các tổ hợp tác. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa để các tổ hợp tác phát triển, UBND xã sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trọng điểm hiệu quả để nhân rộng mô hình hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường việc giới thiệu đối tác và tạo đầu ra để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ổn định, bền vững ./.