Ảnh minh họa (Ảnh: HNV)
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, sản xuất trái cây nước ta đã và đang là ngành hàng có nhiều lợi thế, tiềm năng tăng trưởng với tốc độ cao, tạo sự bứt phá trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho nông dân trong cả nước. Đặc biệt với sự tăng trưởng xuất khẩu trong 5 năm gần đây, trái cây của Việt Nam đã cùng với các mặt hàng truyền thống khác như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, khẳng định vị thế và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Việt Nam đã bước đầu tạo được nhiều tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành hàng trái cây như: xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và chế biến; hình thành được một số vùng sản xuất trái cây hàng hóa tập trung. Phát triển và ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học công nghệ trong nước và thế giới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp, rải vụ trái cây.
Tuy có những lợi thế và tiềm năng, sản xuất trái cây nước ta còn bộc lộ những hạn chế như: quy mô nhỏ lẻ, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung vẫn còn chậm và chưa rõ nét; thiếu doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất. Việc tổ chức thị trường còn nhiều bất cập, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn dựa vào thương lái, chi phí trung gian cao, người sản xuất được hưởng lợi thấp. Công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện, thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu. Thiếu các giống tốt, chất lượng cao, việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến đặc biệt là tỉa cành, tạo tán, quản lý dịch hại còn chậm.
Để thúc đẩy ngành hàng trái cây phát triển một cách bền vững, tương xứng với vị trí, tiềm năng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Vụ Kế hoạch chủ trì triển khai tốt chương trình giống, trong đó quan tâm rà soát triển khai dự án giống cây ăn quả. Cục Trồng trọt chủ trì xây dựng quy hoạch sản xuất cây ăn quả chủ lực, hoàn thành trong năm 2018. Chủ trì tăng cường liên kết vùng, miền trong thực hiện quy hoạch sản xuất cây ăn quả, đảm bảo quy hoạch chung.
Cục Bảo vệ Thực vật chỉ đạo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tốt thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trong đó, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học trên cây ăn trái phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Chủ trì rà soát thủ tục, thời gian kiểm dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây; phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cây ăn trái./.