Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thực hiện Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo Kết luận hội nghị toàn quốc về đào tạo nghề nông nghiệp tháng 3/2017 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tình hình công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã có những chuyển biến tích cực.
Nhiều tỉnh đã thực hiện khá tốt công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, bao gồm các nhiệm vụ tham mưu để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện, phối hợp kiểm tra giám sát, tổng hợp báo cáo định kỳ. Việc xác định nhu cầu đào tạo rõ ràng hơn, trong đó, chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho các lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lao động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương, các thành viên quản lý hợp tác xã nông nghiệp.
Một số tỉnh tổ chức tốt việc huy động kinh phí cho công tác đào tạo nghề bằng nguồn ngân sách địa phương, huy động từ tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nên có đủ kinh phí để thực hiện hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp năm 2017. Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2017 đã đào tạo được 162.180/210.430 người, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 35%, chất lượng công tác đào tạo nghề có sự chuyển biến theo định hướng của Bộ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tại một số địa phương, việc phân công quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp không rõ ràng, do đó, việc triển khai nhiệm vụ này ở các Sở NN&PTNT, Chi cục PTNT rất lúng túng, dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo không cao.
Việc xác định nhu cầu đào tạo nghề theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT ở một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn, lúng túng, do đó không xác định được nhu cầu đào tạo nghề cho doanh nghiệp và các thành viên quản lý hợp tác xã mà chỉ tập trung vào đào tạo nghề theo nguồn lực của Trung ương hỗ trợ cho đối tượng an sinh xã hội. Nhiều địa phương xác định chỉ tiêu về số lượng đào tạo nghề nông nghiệp năm 2017 và huy động nguồn lực thấp hơn so với kế hoạch trung hạn đã được UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT ban hành nên có khả năng không hoàn thành kế hoạch được giao.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị cơ quan thường trực là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn tham mưu cho Bộ NN&PTNT chỉ đạo xác định nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động ở các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Cao su, Tổng công ty cà phê, Tổng công ty Lương thực và các hiệp hội; bố trí nguồn kinh phí của Bộ để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông nghiệp trong các doanh nghiệp này.
Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm để kịp thời nắm bắt tình hình và hiệu quả triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối với các mô hình tổ chức đào tạo nghề có kết quả tốt để nhân rộng.
Đối với các địa phương, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện căn cứ vào kế hoạch trung hạn đã được phê duyệt xây dựng kế hoạch hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Xác định nhu cầu và đối tượng đào tạo ở địa phương, tập trung đào tạo cho lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lao động thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành viên quản lý của các hợp tác xã nông nghiệp và đào tạo nghề nông nghiệp cho an sinh xã hội ở các vùng khó khăn. Bố trí chỉ tiêu đào tạo với tỷ lệ khoảng 50% cho lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp, 20% cho thành viên hợp tác xã, lao động thực hiện các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 30% an sinh xã hội.
Cùng với đó, các địa phương triển khai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp trong tháng 10/2018, tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc vào cuối năm 2018. Chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các quỹ hỗ trợ và ngân hàng để cho vay đối với người lao động thực hiện các chương trình phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề sau đào tạo./.