Ảnh minh họa (Ảnh: KV)
Căn cứ Thông báo số 332/TB-VPCP ngày 14/10 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Bộ NN&PTNT giao các đơn vị (Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ; Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn; Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản,…) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phê duyệt trong Đề án tái cơ cấu ngành và Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực. Đồng thời nghiên cứu kỹ, có căn cứ khoa học về tình hình biến đổi khí hậu tác động đến ngành, lĩnh vực để có điều chỉnh phù hợp, hiệu quả.
Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với tiêu thụ theo yêu cầu thị trường; gắn công nghiệp với nông nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ; kinh tế hộ với kinh tế hợp tác. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo tiểu vùng và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, tiêu thụ.
Cục Trồng trọt, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng rà soát lại quy hoạch sử dụng đất lúa phù hợp với thực tiễn của Đồng bằng sông Cửu Long, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ; nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ về vốn, chính sách, cơ chế của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân. Nghiên cứu kỹ và triển khai quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa theo chủ trương của Trung ương, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của 5 năm tới.
Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh; triển khai thực hiện việc đầu tư và vận hành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu đóng vai trò vườn ươm, trình diễn kỹ thuật, mô hình để phát triển nhân rộng, đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện ở cơ sở nhằm phát hiện, chấn chỉnh và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm các nội dung trong chỉ đạo còn chưa phù hợp.
Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm chủ lực về thủy sản, xây dựng chương trình sản phẩm đặc sản để tổ chức và hỗ trợ sản xuất. Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối chủ trì với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan nghiên cứu tổ chức thực hiện xúc tiến thương mại, thông tin thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp./.