Nhân dân xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc gia cố bờ bao bằng bao cát phục vụ bơm tiêu úng (Ảnh: baovinhphuc.com.vn)
So với số liệu cập nhật đến 7h ngày 21/8, diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng tăng 3.352ha. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc đã có 4.490ha lúa và 1.258ha hoa màu bị ngập, trong đó 2.278ha lúa, 829ha hoa màu bị mất trắng; 70ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 607 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ. Về chăn nuôi, mưa lũ đã làm 106 con gia súc, 3.305 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông, 14 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông. Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa ở 20 điểm trên quốc lộ 15, 15C, 16; Thái Nguyên ở đường DT261; Sơn La ở đường giao thông xã Chiềng Sơn; Hòa Bình là các vị trí ngầm tràn trên các tuyến đường Trường Sơn A, X2, C, Y, đường 12B,...
Về thủy lợi, 4 đập xây, 2 cống bị hư hỏng, 4.502 m kênh mương, 3.908m kè bị sạt, trôi, hư hỏng, 1.094m đê từ cấp 3 trở lên bị sạt, trượt. Về công nghiệp, 1 lộ đường dây 500KV, 22 lộ đường dây 110KV, 115 sự cố lưới điện phân phối, 131 cột điện bị gãy, đổ.
Về các sự cố đê điều, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều ngày 21/8, sự cố trên các tuyến đê từ cấp III trở lên tại tỉnh Bắc Ninh, tại K39+300 đê tả Đuống khu vực kè Thị Thôn Mão, xuất hiện hố xói qua đường kiểm tra kè; kích thước dài 3m, rộng 2m, sâu 1,5m. Hiện địa phương đã xử lý đắp đất bù vào hố xói để chống nước chảy luồn qua mái kè.
Tại K10+300 đê hữu Cà Lồ khu vực kè Yên Hậu, xuất hiện cung sạt mái kè dài 100m, rộng 10m, sâu 1-2m. Hiện sự cố đã được các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Yên Phong tiếp tục theo dõi và chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý ngay sự cố khi cần thiết.
Tại tỉnh Phú Thọ, trên tuyến đê Tả Thao xuất hiện 2 cung sạt, cụ thể, tại K21+800, xuất hiện cung sạt sát mép đê, đang bị ngập nước; hiện địa phương đã xử lý đắp bao tải cát chống sạt và tổ chức theo dõi thường xuyên. Tại K16+300, xuất hiện cung sạt ăn sâu vào mái khoảng 2m, đang bị ngập nước; chưa được xử lý.
Về công tác khắc phục sự cố điện, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến 16 giờ ngày 21/8/2016 lưới điện phân phối thuộc các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do bão số 3 đã vận hành bình thường và cung cấp điện ổn định gồm: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình. Tại tỉnh Lạng Sơn, hiện còn 1 Trạm biến áp với 116 khách hàng chưa được cấp điện do các lực lượng sửa chữa chưa thể tiếp cận để kiểm tra lưới điện tại khu vực bị hư hỏng. Tại tỉnh Quảng Ninh, còn lại một số nhánh rẽ cấp điện cho phụ tải thuộc khu vực Ba Chẽ với 210 khách hàng chưa được cấp điện do bị chia cắt giao thông. Hiện chờ giao thông khôi phục sẽ khắc phục các sự cố lưới điện.
Về công tác tiêu úng, tính đến 17 giờ ngày 21/8, các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng không xảy ra tình trạng úng ngập, tuy nhiên các địa phương vẫn đang chủ động vận hành bơm để hạ thấp mực nước trong đồng và kênh. Tại tỉnh Bắc Ninh, hiện có khoảng 500ha lúa ngập gần nửa thân cây. Địa phương đang vận hành 356/586 máy bơm tiêu các loại. Ở tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích bị ngập úng là 5.748 ha (4.490ha lúa và 1.258ha rau màu); địa phương đang vận hành 16 trạm bơm để tiêu úng.
Tại tỉnh Phú Thọ, diện tích bị ngập úng là 1.446,4ha (805,8ha lúa, 640,6ha hoa màu; địa phương đang vận hành 14 trạm với tổng số 58 máy bơm để tiêu úng. Tỉnh Yên Bái, diện tích bị ngập úng là 1.371,8ha (1.191,8ha lúa, 180ha hoa màu). Ở tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích bị ngập úng là 611,3ha lúa. Địa phương đang vận hành 251 máy bơm để tiêu úng. Tại tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội, hiện không còn diện tích bị úng ngập./.