Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
Theo số liệu của UBND tỉnh Tuyên Quang, kết quả rà soát hộ nghèo đầu năm 2011 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, toàn toàn tỉnh có 63.404 hộ nghèo, chiếm 34,83% tổng số số hộ toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 75,13% số hộ nghèo. Tỷ lệ hô nghèo cao tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao và các xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Lâm Bình với 71,16%, Na Hang với 54,46%, Chiêm Hóa với 49,78%; một số xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo trên 90%, như xã Phúc Yên, Hồng Quang của huyện Lâm Bình.
Để đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và các đề án để triển khai thực hiện, như Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình, Đề án xóa hộ chính sách người có công nghèo. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, thông báo để chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, phân công các cơ quan, đơn vị có giải pháp giúp đỡ hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân chính dẫn đến nghèo; tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo, như: chính sách hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay cho hộ nghèo để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm bể Biogas; chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ gia đình tổ chức sản xuất hàng hóa một số loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ 10% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cận nghèo…
Các ngành, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cấp triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ giảm nghèo, cũng như huy động các nguồn lực trong cộng đồng xã hội để hỗ trợ thực hiện giảm nghèo trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: Toàn tỉnh đã cho 64.080 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi, doanh số cho vay đạt trên 1.265,4 tỷ đồng; trên 208.000 lượt người nghèo được hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; 1.530 lao động nghèo được hỗ trợ học nghề; trên 1,7 triệu lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, kinh phí cấp thẻ trên 1.000 tỷ đồng; 100% học sinh thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp; 5.255 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí trên 124 tỷ đồng tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước 37,6 tỷ đồng); trên 6.900 người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí; trên 221.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, với kinh phí trên 85 tỷ đồng; trên 230.000 lượt hộ, với 974.589 lượt người nghèo được hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai hoặc kinh phí mua giống cây trồng, kinh phí trên 103 tỷ đồng; trên 5.600 hộ nghèo được hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền 7,4 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm bể Biogas; trên 58.900 lượt hộ với 212.838 lượt khẩu được hỗ trợ lương thực, kinh phí hỗ trợ trên 36 tỷ đồng; ngoài ra các chế độ, chính sách khác đối với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm triển khai tích cực, UBND tỉnh đã phân bổ 59 tỷ đồng, (trong đó có 1 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương) để hỗ trợ xây dựng 26 công trình kết cấu hạ tầng cho huyện Lâm Bình; phân bổ 425,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135; huy động nguồn lực, thực hiện có hiệu quả Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và dân sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn và vùng nông thôn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tích cực phát huy vai trò trong việc tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và cộng đồng tham gia công tác giảm nghèo, đã huy động được trên 37 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ các hộ nghèo; Các tổ chức đoàn thể đã xây dựng kế hoạch, rà soát thực trạng đoàn viên, hội viên nghèo, nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo, hoàn cảnh của từng hộ để có các giải pháp hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng thời tăng cường vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên nghèo khắc phục khó khăn, tự nỗ lực vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2011 - 2015 công tác giảm nghèo được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, huy động được toàn xã hội tham gia hỗ trợ giảm nghèo; các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm khá nhanh từ 34,83% đầu năm 2011 xuống còn 9,31% năm 2015 (giảm được 44.774 hộ nghèo); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 5%/năm, trong đó huyện nghèo Lâm Bình giảm bình quân trên 6%/năm, vượt kế hoạch đề ra.
Cũng theo UBND tỉnh Tuyên Quang, kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 55.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,81% (tăng gần 3 lần so với số hộ nghèo còn lại cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo cũ) và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,99%. Tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là huyện Lâm Bình với 60,79%, huyện Na Hang với 50,08%; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 78,5% so với tổng số hộ nghèo.
Nguyên nhân hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 còn cao là do đặc điểm sản xuất của bà con chủ yếu là nông nghiệp, kinh nghiệm thâm canh có nơi còn lạc hậu (đặc biệt là ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người), việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; sản xuất còn manh mún, phân tán, chưa thích ứng với cơ chế thị trường, chưa dám mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; nhiều vùng chưa tận dụng được tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng để phát triển những cây con có hiệu quả kinh tế cao; việc thu hút vốn đầu tư những dự án phát triển công nghiệp, chế biến nông sản còn hạn chế, đặc biệt là tại các vùng đặc biệt khó khăn, do đó chưa thu hút được nhiều lao động, cũng như sản phẩn do bàn con sản xuất ra; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, chất lượng giảm nghèo ở một số vùng chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao.
Để giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, Tuyên Quang đang nỗ lực rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để phân công cho các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp giảm nghèo theo từng nhóm nguyên nhân chính dẫn đến nghèo. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, trong đó quan tâm huy động nguồn lực thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình, chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án thuộc Chương trình 135; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của tỉnh phù hợp với giai đoạn mới và điều kiện nguồn lực của tỉnh, theo hướng giảm dần chính sách cho không, thực hiện các chính sách hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tín dụng ưu đãi; hỗ trợ phát triển các tổ, nhóm sản xuất (hợp tác xã); hỗ trợ phát triển rừng, thủy sản và một số cây con có giá trị, có lợi thế trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đặc biệt hướng vào nhóm đối tượng người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo. Đổi mới hoạt động của hệ thống tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh việc rà soát đối tượng lao động trong độ tuổi, tích cực giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động tại những thị trường ổn định, có thu nhập.
Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Thường xuyên rà soát, nắm chắc đời sống nhân dân, hỗ trợ kịp thời cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gặp rủi ro, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo, đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức cuộc sống, cách chi tiêu trong gia đình và kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo có trọng tâm, đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng loại hộ nghèo và đặc điểm của từng vùng, loại hình sản xuất.
Phát huy và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là cấp cơ sở thôn, xóm, bản trong việc tham gia thực hiện Chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực thực hiện chương trình; phối hợp với chính quyền tích cực vận động các hộ nghèo khắc phục khó khăn và các tư tưởng ỷ lại, tập quán, hủ tục lạc hậu để chủ động vươn lên thoát nghèo. Duy trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình giảm nghèo tại cơ sở, kịp thời chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện…