Xuất khẩu gạo vẫn giảm cả về lượng và giá trị

Thứ năm, 01/12/2016 17:16
(ĐCSVN) – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2016 ước đạt 353 nghìn tấn với giá trị đạt 156 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.


Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2016 đạt 450 USD/tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng với 36% thị phần. Trong 10 tháng xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,51 triệu tấn và 678,7 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Gana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 10 tháng với 11,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 442,2 nghìn tấn và 217,1 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 33,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý,  là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 10 tháng năm 2016 với 7,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,6 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và tăng 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippin (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Hoa Kỳ (28,3%) và Hồng Kông (7,7%).

Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 11/2016 biến động trái chiều, với xu hướng tăng nhẹ chiếm ưu thế. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhưng hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL cụ thể như sau: tại An Giang, lúa IR50404 giảm 300 đồng/kg, từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 2514, OM 1490 ổn định ở mức 4.700 đồng/kg. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa của Công ty Lương thực tỉnh tăng nhẹ, chủng loại OM 5451 từ 5.600 đồng/kg lên 5.700 đồng/kg (lúa khô); chủng loại OM 4900 từ 5.700 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg (lúa khô). Tại Kiên Giang, giá lúa tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại, với lúa tẻ thường tăng mạnh 800 đ/kg, từ 4.400 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg; lúa dài tăng 400 đồng/kg, từ 5.500 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa khô IR50404 không đổi ở mức 5.000 đồng/kg.

M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực