6 tháng đầu năm quy mô kinh tế Quảng Nam xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố

Thứ hai, 17/07/2023 18:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam ước giảm 9,2% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thuộc nhóm các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang thông tin tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2023.

Chiều 17/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.

Thông tin tại buổi họp, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam ước giảm 9,2% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thuộc nhóm các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6/2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, xếp vị thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung; trong đó, thu nội địa 9.910 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, bằng 67% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 2/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, xếp vị thứ 1/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu khoảng 1.903,18 triệu USD, giảm 26,22% so với cùng kỳ. Tổng huy động trên địa bàn đạt 79.595 tỷ đồng, tăng 5,37% so với đầu năm và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 106.713 tỷ đồng, tăng 8,54% so với đầu năm và tăng 19,08% so cùng kỳ.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 7.778,766 triệu, xấp xỉ bằng năm 2022.

Tổng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 đã phân bổ đạt 95,9%. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 02 nhiệm vụ, với 05 dự án với tổng mức đầu tư 621 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2023, tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn chi tiết cho tất cả các dự án thuộc Chương trình và giải ngân đạt 6%.

Quảng Nam đã hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến góp ý của 23 Bộ, ngành Trung ương, 14 UBND các tỉnh, thành phố liên quan và Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Nam để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia cho ý kiến, hoàn chỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đến nay, cả tỉnh có 642 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 194 dự án với tổng vốn đầu tư 6,06 tỷ USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 Quảng Nam lọt vào top 30, tăng điểm (từ 66,24 điểm lên 66,62 điểm), nhưng tụt 3 bậc (từ 19 xuống 22/63 tỉnh, thành phố) so năm 2021.

Hệ thống y tế được củng cố; giáo dục được quan tâm đúng mức; ngành văn hóa thể thao đạt nhiều kết quả; công tác bảo trợ giảm nghèo, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới được tăng cường.

Công tác cải cách hành chính được tập trung triển khai với nhiều nội dung, gắn với xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Toàn tỉnh đã tạo lập 516.577 tài khoản định danh điện tử, đã kích hoạt 281.584 tài khoản, đạt tỷ lệ 38,14 %. Số lượng xác thực lấy số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là 953.035 trường hợp; toàn tỉnh đã có 265/297 (chiếm tỷ lệ 89,2%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân… Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được tổ chức thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang, 6 tháng qua tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số nguồn thu ngân sách nhà nước đạt thấp; tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng giảm sâu so với cùng kỳ; ngành du lịch, dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn; chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn; các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX), hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022 tụt hạng; tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn yếu tố khó lường; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.

Đại diện các sở, ngành, tỉnh cũng trao đổi, thông tin các vấn đề do các phóng viên nêu ra tại buổi họp. 

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, theo UBND tỉnh Quảng Nam, có 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách. Tập trung hoàn thành các quy hoạch. Xử lý dứt điểm các tồn tại về công tác bảo vệ môi trường, hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải tập trung, rác thải ở các khu, cụm công nghiệp.

Triển khai thực hiện một số chính sách, giải pháp trọng tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Xây dựng và triển khai phương án phòng, chống thiên tai năm 2023; thực hiện tốt kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng bị thiên tai uy hiếp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát phát hiện, xử lý và kịp thời tháo gỡ những tồn tại vướng mắc; gắn các cuộc thanh tra hành chính và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo với việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Giữ vững ổn định chính trị xã hội, quốc phòng an ninh, đảm bảo an toàn xã hội….

Tại buổi họp báo, các phóng viên cũng đặt nhiều câu hỏi với đại diện UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng qua, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; trao đổi một số tồn tại, nhiệm vụ trong quản lý đất đai, các dự án trên địa bàn tỉnh…./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực