Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy chính quyền số

Thứ ba, 15/10/2024 14:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành 12/15 chỉ tiêu về chính quyền số. Trong đó, có các nội dung nổi bật như: Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo sử dụng trợ lý ảo, khai thác dữ liệu từ Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh qua tài khoản được cấp đạt 100%; Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn thông tin đạt 100%...
 Trung tâm điều hành thông minh tỉnh BRVT giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá và phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số. (Ảnh: Quang Vinh)

Báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Năm 2024, với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số- động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững" đến nay trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai thúc đẩy hình thành doanh nghiệp công nghệ số từ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tỉnh đã thúc đẩy, hỗ trợ, hình thành 2 doanh nghiệp công nghệ số trong 109 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2024. 

Đến nay tỉnh đã hoàn thành 13/15 chỉ tiêu về xã hội số của Kế hoạch hành động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó có một số chỉ tiêu nổi bật như: Mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 điện thoại thông minh đạt 97,5%; tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 105%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 72,99%, có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt 86,06%; các siêu thị, nhà hàng trung tâm mua sắm, tiểu thương… chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đạt 96%; thôn, ấp, khu phố được phủ sóng băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87%...

Cùng với đó, đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành 4/7 chỉ tiêu kinh tế số và 12 chỉ tiêu chính quyền số. 

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát huy tối đa vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 503 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với hơn 3.000 thành viên. Đây chính là lực lượng nòng cốt, sâu sát với người dân nhất; qua đó, giúp người dân tại từng thôn, ấp, khu phố tiếp cận môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để trở thành công dân số trong tương lai.

 Tỉnh thường xuyên tham gia các hội nghị tập huấn về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số từ các địa phương. 

Tổ CNSCĐ thực sự có sứ mệnh hỗ trợ, giúp người dân trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy, tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, thiết thực, hiệu quả; trở thành những tuyên truyền viên, huấn luyện viên cơ sở về chuyển đổi số, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn nữa.

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổ CNSCĐ thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đã đến tận nhà từng người dân để hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số cơ bản phục vụ đời sống và tương tác với chính quyền như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt định danh điện tử, chữ ký số cá nhân…

Tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, nhờ hoạt động tích cực, hiệu quả của 6 Tổ CNSCĐ mà đến nay 100% hộ sản xuất nông nghiệp đã có tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Toàn bộ cơ sở bán lẻ đều chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 95% hóa đơn điện, nước được thanh toán trực tuyến. Hơn 24% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân.

Xác định vai trò quan trọng của công tác chuyển đổi số, thời gian qua lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh, mang lại hiệu quả rõ rệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tính đến tháng 9/2024, 100% cơ quan quân sự thuộc LLVT tỉnh đã ứng dụng các phần mềm quản lý, điều hành hiện đại. Ở các đơn vị cấp 2 và cấp 3, mạng máy tính nội bộ quân sự được kết nối mạng truyền số liệu quân sự, tăng 40% so với cuối năm 2023. Một số đơn vị cấp 4, cấp 5 cũng đã được trang bị đường truyền số liệu quân sự, giúp việc khai thác phần mềm dùng chung trở nên thuận tiện.

Đáng chú ý, gần 71% văn bản trong LLVT tỉnh được chuyển nhận qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Hơn 34% văn bản được ký số toàn văn và 86% văn bản ký số cá nhân. Việc trao đổi tài liệu quân sự không mật trên không gian mạng đã giúp hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị lưu trữ, nâng cao an ninh thông tin và giảm nguy cơ mất mát dữ liệu.

Công tác giám sát an toàn thông tin và an ninh mạng trong hệ thống máy tính quân sự cũng được thực hiện nghiêm ngặt. 100% mạng máy tính quân sự trong tỉnh được giám sát chặt chẽ, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về an toàn thông tin.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đôn đốc việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số tỉnh, kế hoạch hoạt động Ban chỉ đạo chuyển đổi số năm 2024, sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó ưu tiên đưa vào vận hành App Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và khâu đột phá chuyển đổi số của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã năm 2024.../..

Lò Thị Minh Hậu- Trường Chính trị tỉnh Sơn La

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực