Bài 1: Khu công nghiệp sinh thái - lợi thế tăng trưởng và kênh thu hút đầu tư bền vững

Khu công nghiệp sinh thái: Lợi thế cạnh tranh trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Thứ bảy, 24/08/2024 11:09
(ĐCSVN) - Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đang ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo.

Mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, tuần hoàn tập trung vào các mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ra môi trường; phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng mới (năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, năng lượng điện mặt trời), máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường, đồng thời tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất công nghiệp.

Sơ đồ hóa nhà máy sản xuất nhựa An Phát Holdings tại cụm công nghiệp Hải Dương (Ảnh: An Phát Holdings)

Theo Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình khu công nghiệp được hình thành và phát triển gắn liền với bối cảnh, yêu cầu của các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước, là công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Cơ sở để phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam

Mô hình KCX, KCN ở Việt Nam ra đời từ năm 1991 trên cơ sở đường lối Đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Qua các thời kỳ, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Thống kê của Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng. Những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế (KKT) chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung…), đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

 Dây chuyền sản xuất bao bì nhựa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường (Ảnh: An Phát Holdings)

Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh; cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế; các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao; an sinh xã hội trong các KCN có nơi còn chưa được đảm bảo....

Các chính sách phát triển trong và ngoài nước nêu trên đã tác động trực tiếp đến mô hình, định hướng phát triển KCN ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu chất lượng phát triển KCN ở mức cao hơn theo hướng phát triển bền vững và chiều sâu, chú trọng phát triển công nghệ cao, đổi mới mô hình phát triển và gắn với liên kết vùng; đây cũng là những tiền đề để triển khai thí điểm và xây dựng các văn bản quy định về KCN sinh thái tại Việt Nam.

Việc chuyển đổi các KCN theo hướng bền vững tại Việt Nam cũng không tách khỏi xu hướng phát triển các KCN trên thế giới, theo đó, phát triển các mô hình khu dựa trên quản lý tiên tiến; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung; đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" để cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Mô hình KCN sinh thái hướng tới phát triển bền vững đã được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực tại các nước như Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đặc điểm chung của các nước trong áp dụng mô hình này là việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn, gắn với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp để chuyển đổi các KCN theo mô hình truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, từ đó mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, xã hội cho các doanh nghiệp và các KCN .

 Nhà máy xử lý nước thải tập trung với khuôn viên xanh, gần gũi và thân thiện của KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng (Ảnh: HNV)

Triển khai phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam

Thực tế cho thấy, phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Thăm quan mô hình nhà máy của An Phát Holdings tại Cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương, chứng kiến quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chí an toàn, môi trường mới thấy rõ được giá trị phát triển theo hướng bền vững mang lại những hiệu quả khích lệ đến nhường nào.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, là một trong những Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, với nhiều Công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nhựa, An Phát Holdings đã khẳng định được thương hiệu, uy tín và vị trí của mình để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài như Châu Âu, Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines… Tại nhà máy trong Cụm Công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương, khuôn viên và quy trình sản xuất của An Phát Holdings đã tiệm cận tới các tiêu chí công nghiệp xanh và là điển hình của khu vực tư nhân trong đầu tư theo phát triển KCN sinh thái. Cùng với xu thế phát triển xanh và bền vững đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, An Phát Holdings cũng coi phát triển xanh là kim chỉ nam trong kế hoạch phát triển trung, dài hạn. Theo đó, đơn vị này đã tập trung vào sản xuất các sản phẩm và nguyên vật liệu nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, các bao bì màng mỏng thân thiện môi trường, bao bì nhựa sinh học phân hủy, các sản phẩm nhựa…  Đáng chú ý, Tập đoàn này còn hướng tới đầu tư KCN theo tiêu chuẩn ESG, đóng góp thiết thực vào quá trình hiện thực hóa cam kết “net Zero” của Chính phủ đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Mô hình điện áp mái, điện mặt trời tại KCN Deep C, Hải Phòng (Ảnh: HNV) 

Trong khi đó, đến với KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng thì càng ấn tượng hơn với khuôn viên và không gian thực sự gần gũi, thân thiện môi trường. Như chia sẻ của ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Shinec đã chung tay xây dựng thành công KCN Sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người.

Được biết, kể từ năm 2008 đến nay, trong 16 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, KCN Nam Cầu Kiền luôn chú trọng cải tiến hệ thống quản lý, phát triển các hoạt động dịch vụ tiện ích nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, trở thành đối tác phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Để bắt kịp xu thế phát triển của thị trường, KCN Nam Cầu Kiền Shinec đã đi đầu trong việc xây dựng mô hình KCN sinh thái. Với tư duy đầu tư sinh thái ngay từ những ngày đầu thành lập cùng định hướng vững vàng trên từng chặng đường phát triển, cho đến nay, Nam Cầu Kiền đã cơ bản thành các tiêu chí của một KCN sinh thái do chính người Việt đầu tư. Sự khác biệt trong tư duy quản lý đã giúp mô hình KCN của Nam Cầu Kiền tối ưu hóa trên nhiều phương diện, từ đó trở thành một mô hình phát triển kinh tế mới phù hợp với thời đại, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của Chính phủ. Năm 2020 vừa qua, Nam Cầu Kiền đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế cộng sinh và nền tảng dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng các doanh nghiệp tạo ra một hệ sinh thái bền vững, điều này đã giúp cho Nam Cầu Kiền trở thành một điểm sáng trong đầu tư tại Việt Nam cũng như thu hút được nguồn lực kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương. Chủ trương mới của Chính phủ khuyến khích việc hình thành các KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn là điều kiện đề Shinec tiếp tục phát triển. Mang thương hiệu sinh thái tại Nam Cầu Kiền và tư duy đầu tư bền vững đến với cộng đồng Nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới một mục tiêu phát triển vượt bậc, sánh ngang với các hệ sinh thái đầu tư của các nước phát triển.

Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện và phát triển bộ tiêu chuẩn NCK theo các tiêu chí được xây dựng trong đề án nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng áp dụng/ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn Khu công nghiệp Việt Nam: Nghiên cứu triển khai điển hình tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền”. Bên cạnh các tiêu chí trong Nghị định 35/NĐ-CP về các tiêu chí của một KCNST thì bộ tiêu chuẩn NCK được xác lập dựa trên cơ sở kết hợp kinh tế tuần hoàn để trở thành bộ tiêu chuẩn cốt lõi khi xây dựng và hình thành các dự án Khu công nghiệp khác của Công ty. Một mô hình KCN NCK đã được chứng minh thực tiễn thành công tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền từ đó phát triển thương hiệu NCK là một mô hình Khu công nghiệp Kinh tế tuần hoàn và dùng để áp dụng cho các dự án đầu tư mới. Nam Cầu Kiền cũng được biết đến là KCN đạt các kỷ lục Việt Nam về: công trình Nhà máy xử lý nước thải trong khuôn viên KCN thiết kế theo mô hình vườn Nhật đầu tiên tại Việt Nam; Vườn Kỷ vật – Khu lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn viên KCN đầu tiên tại Việt Nam; Vườn Kyo-sei-no-niwa – Khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên KCN.

Điện gió tại KCN Deep C, Hải Phòng (Ảnh: HNV) 

Bước vào không gian của KCN Deep C, Hải Phòng, chúng tôi đã thăm quan hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió) cùng khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp, khu vực thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp và các công trình dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành nhấn mạnh, Tổ hợp KCN Deep C là hệ thống các KCN và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, khu vực phát triển năng động nhất của miền Bắc Việt Nam. Tại Hải Phòng, Deep C khởi động với dự án phát triển khu công nghiệp Deep C Hải Phòng I (trước đây có tên gọi là Khu công nghiệp Đình Vũ) vào năm 1997, một mô hình hợp tác giữa nhà đầu tư Bỉ Rent-A-Port và UBNDThành phố Hải Phòng. Tập trung phát triển theo hướng sinh thái, thân thiện môi trường cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, Deep C hướng tới cung cấp các tiêu chí sinh thái công nghiệp đầy đủ nhất cho các nhà đầu tư.

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ với đoàn báo chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thăm mô hình KCN sinh thái tại Hải Phòng ngày 20/8/2024 (Anh: HNV)

Mặc dầu vậy, không phủ nhận, vẫn còn tồn tại thách thức, khó khăn mà các KCN sinh thái tiên phong ở Việt Nam đang gặp phải. Đó là những rào cản về sự thiếu hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như nguồn vốn xanh, tài chính xanh hay sự cộng hưởng chung của cộng đồng trong phát triển bền vững, tăng trưởng xanh như phân tích của ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng. Ông Hải cho rằng, sự phát sinh kinh phí đầu tư khi dành thêm quỹ đất của KCN cho phần cây xanh, sự thiếu liên kết của các đơn vị liên quan trong phát triển nhân rộng KCN xanh, KCN sinh thái hay sự thiếu nhất quán đồng bộ trong chính sách với thực tiễn đầu tư KCN sinh thái… sẽ là những “cản trở” cho quá trình phát triển bền vững và hiệu quả của KCN sinh thái.

Do đó, Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, trong đó tập trung vào các trọng tâm sau:

Thứ nhất, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”.

Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.

Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: (i) cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); (ii) tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: HNV) 

Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước kể từ khi đổi mới đến nay (1986-2024), có thể khẳng định mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

“Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới”- bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế cho hay./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực