Bài 2: Bước đi đúng hướng của Du lịch Hội An

Phát triển du lịch ở Hội An
Thứ tư, 07/12/2022 17:08
(ĐCSVN) – Mặc dù trong điều kiện sau đổi mới, cấp uỷ, chính quyền TP Hội An đã có những “phác hoạ” ban đầu cho ngành Du lịch, song trên thực tế đó mới chỉ là những "viên gạch" nền tảng. Do vậy, Du lịch Hội An rất cần thêm những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để bứt phá, mở ra chặng đường phát triển mới…

Bài 1: Du lịch Hội An - Những viên gạch đầu tiên

Hội An - Địa chỉ để du khách khi đến đây sẽ được tiếp cận
một chỉnh thể tự nhiên đa dạng, nổi trội về giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hoá - nhân văn

Nền tảng và hướng đi đúng

Trong những ngày đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế Du lịch của Hội An bước đầu định hình thì cũng là lúc “tầm nhìn” chiến lược để phát triển cũng được đặt lên bàn nghị sự tại nhiều cuộc họp của Thành uỷ, UBND thị xã Hội An lúc bấy giờ. Trên cơ sở đó, lần đầu tiên một Nghị quyết chuyên đề với tầm nhìn tương đối khá dài hạn đã được Thị uỷ Hội An ban hành vào ngày 31/5/1993. Đó là Nghị quyết về “Phát triển du lịch và dịch vụ trên địa bàn Hội An giai đoạn 1993-1995 và 1996-2000”.

Mục tiêu Nghị quyết trên xác định: “Phát triển du lịch phải đảm bảo hiệu quả kinh tế và xã hội, tạo được nguồn thu tại chỗ ngày càng nhiều thông qua việc tổ chức thật tốt các dịch vụ phục vụ khách; mở ra thị trường tiêu thụ cho các ngành sản xuất - kinh doanh của thị xã và các vùng lân cận; thúc đẩy sự khôi phục và phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ; giải quyết nhiều lao động có việc làm”. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định: “Phát triển du lịch dịch vụ phải trên cơ sở giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hoá Hội An; bảo vệ được môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và bảo đảm giữ vững an ninh trật tự xã hội”.

Cũng tại Nghị quyết này, lần đầu tiên nhiệm vụ quy hoạch phát triển du lịch tại Khu phố cổ, khu vực ngoại ô của thị xã Hội An (trong đó chú trọng bãi tắm Cửa Đại); đặc biệt là Cù Lao Chàm và vươn ra tổ chức du lịch đến các vùng khác trong và ngoài tỉnh cũng đã được đặt ra.

Cùng với các nhiệm vụ trên, vấn đề xác định nguồn và phương thức khai thác các thị trường và du khách trong nước cũng như ngoài nước, mở ra hoạt động trao đổi ngoại tệ thuận lợi đã được Thị uỷ Hội An chú trọng triển khai.

Theo các tài liệu lưu trữ tại UBND TP Hội An, trên cơ sở những định hướng và nhiệm vụ kể trên, các sản phẩm và loại hình dịch vụ lưu trú tại Hội An thời điểm này cho thấy, bên cạnh các khách sạn quốc doanh, Hội An cũng từng bước mở ra hệ thống nhà khách, phòng trọ trong dân. Trong đó, có những cơ sở xây dựng khá hiện đại, nhưng cũng có loại được xây theo phong cách truyền thống dân tộc; và cũng có loại kết hợp hợp giữa hiện đại và truyền thống… Hầu hết các cơ sở này được bố trí ở khu trung tâm và một số ở vùng ngoại ô gần gũi với thiên nhiên.

Đối với các dịch vụ ăn uống, vận chuyển, mua sắm, giải trí… những dịch vụ này được lãnh đạo và ngành chức năng thị xã Hội An bấy giờ nghiên cứu phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách; đồng thời chú trọng phát huy tiềm năng, bản sắc của địa phương.

Chia sẻ nhận xét về bước chuyển đáng kể này, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho rằng: Đây là giai đoạn nền tảng, mở ra hướng đi mới phù hợp để Hội An khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch, đưa du lịch đi đúng quỹ đạo của định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong những năm sau tiếp theo.

“Hội An hoàn toàn có khả năng may quần áo, đóng dày dép… vấn đề là phải nhạy bén nắm bắt những kiểu dáng thời trang phù hợp với thị hiếu của du khách”, “chúng ta phải giữ cho thị xã một không gian yên tĩnh cần thiết nhưng không buồn tẻ. Cho phép khai thác lại những lễ hội dân tộc độc đáo trên cơ sở nghiên cứu chọn lọc kỹ, tiến tới tổ chức những ngày hội văn hoá các dân tộc ở thị xã để thu hút du khách”- nhắc lại nội dung được Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch và dịch vụ trên địa bàn Hội An giai đoạn 1993-1995 và 1996-2000” của thị uỷ Hội An ban hành vào ngày 31/5/1993, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh: Những vấn đề đặt ra đó đến nay TP Hội An nói chung và Du lịch Hội An nói riêng vẫn đang tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả. Điều này càng minh chứng những định hướng, bước đi cho Du lịch Hội An thời kỳ đầu sau đổi mới là rất quan trọng, đúng hướng.

Bãi biển Cửa Đại (Hội An)

Xác lập mũi nhọn của nền kinh tế

Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Du lịch và UBND TP Hội An cho thấy, đến năm 1995, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tại Hội An đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để xây dựng 13 khách sạn với tổng số 320 phòng và 650 giường trọ trên địa bàn toàn thị xã Hội An lúc bấy giờ.

Từ hệ thống hạ tầng này, đến cùng thời điểm năm 1995, tổng lượng du khách được Hội An đón tiếp đã lên 91.000 lượt, trong đó có 38.600 lượt khách lưu trú (có 94,8% là khách quốc tế); tổng doanh thu từ các dịch vụ lưu trú đạt 800.000USD.

Đây rõ ràng là một nguồn thu không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế lúc bấy giờ. Theo đại diện UBND TP Hội An, kết quả này được bắt nguồn từ những chủ trương, hướng đi đúng từ các năm trước đối với kinh tế du lịch địa phương. Đặc biệt, nhân tố mới để thúc đẩy thu hút đông du khách đến với Hội An vào thời điểm đó còn bắt nguồn từ tháng 12/1995, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã phê duyệt và cho phép triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hội An đến năm 2010”. Quy hoạch này nhấn mạnh đến việc đặt Du lịch Hội An trong mối quan hệ mật thiết liên vùng: Hội An - Đà Nẵng - Huế và khu vực phía Nam; xây dựng Du lịch Hội An thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã.

Nói về những kết quả của du lịch thị xã Hội An đến cuối năm 1995 đã gặt hái được, đồng chí Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin TP Hội An cho rằng, từ thời điểm này Du lịch Hội An đã chuyển mình mạnh mẽ và bắt đầu thời kỳ tăng tốc, trở thành ngành kinh tế có tiềm năng to lớn, được các thành phần kinh tế địa tại phương tập trung đầu tư.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ XII (năm 1996), Đảng bộ thị xã đã xác định cơ cấu kinh tế của Hội An là: Ngư - Nông nghiệp, Du lịch - Dịch vụ - Thương mại và Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp.

Đến Đại hội lần thứ XIV (năm 2000), Đảng bộ Hội An xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Du lịch - Dịch vụ - Thương mại, Ngư - Nông nghiệp, Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp.

Tại Đại hội lần thứ XVI (năm 2010), Đảng bộ Hội An tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế lấy Du lịch - Dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ ở nhiệm kỳ này là tập trung xây dựng Hội An phát triển bền vững theo định hướng “Thành phố sinh thái - văn hoá - du lịch.

“Quá trình triển khai các nhiệm vụ đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn Hội An những năm sau đó tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi dựa trên nền tảng các chủ trương, quy hoạch, chính sách của Trung ương và tỉnh cho phép. Trong đó đáng kể nhất là Nghị quyết số 105/2008/NQ-HĐND, ngày 29/4/2008 của HĐND tỉnh Quảng Nam về “Phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020”, Quyết định số 3902/QĐ-UBND, ngày 26/11/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam “về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 27/12/2016 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”- Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin TP Hội An Tống Quốc Hưng chia sẻ và khẳng định thêm: Với những bước đi đúng hướng của mình, du lịch Hội An đến nay đang tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế chung của TP. Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế giữ vai trò chủ đạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”./.

Bài, ảnh: Đình Tăng - Anh Tuấn - Trọng Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực