Bài 2: Rừng- Vốn quý để Du lịch Tây Giang phát triển

Phát triển “Du lịch xanh” tại miền núi Quảng Nam
Thứ bảy, 26/03/2022 18:15
(ĐCSVN) – Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có 9 huyện, là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tại đây hiện đang lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa; có nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Đây là những tiềm năng, lợi thể để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.

Bài 1: Những bước đi đầu tiên của du lịch đại ngàn xứ Quảng

Bài 3: Phát triển du lịch sâm và cây dược liệu ở Nam Trà My

Bài 4: Gỡ vướng cho du lịch miền núi

Bài 5: Triển vọng “Du lịch xanh” ở miền núi Quảng Nam

Nghi thức múa chiêng mở hội của đồng bào Cơ Tu tại tây Giang. 

 Dựa vào rừng để phát triển du lịch

Tây Giang là một trong 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, có những nét đặc trưng nhờ lưu giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu- cộng đồng chiếm 95% dân số.

Đây cũng là địa phương sở hữu nhiều di tích cách mạng gắn liền với công cuộc đấu giải phóng dân tộc của các dân tộc anh em trên địa bàn như: Đồn Zilang, Đồn G’lâu, Đồn Kaxănh, Đồn Apăl, Đông T’râm; địa đạo A Xoo, Đường Muối xa xưa..

Địa phương cũng có nhiều danh lam thắng cảnh rất đẹp, giàu văn hóa núi như: Ruộng Chuor Arâng và A Riing, ruộng bậc thang Ki’noonh, Ga’nil và các khu rừng di sản như: rừng Pơmu, rừng Đỗ quyên cổ, rừng Đa cổ thụ, rừng lim xanh với tổng số 1.598 cây di sản Việt Nam. “Với sự đa dạng về các loại rừng có giá trị trên mà Tây Giang đã được các tổ chức quốc tế xếp hạng đứng đầu Đông Nam Á về địa phương có nhiều cây di sản”- ông Bhríu Hùng, Trưởng phòng VH&TT huyện Tây Giang cho biết.

 
Đời sống và các sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Tây Giang luôn được nhiều du khách quan tâm, tìm hiểu và muốn cùng được trải nghiệm. 

Cũng theo ông Bhríu Hùng, hiện tại Tây Giang có nhiều di chỉ, hiện vật văn hóa cổ xưa được chủ thể văn hóa Cơ Tu lưu giữ. Trong đó đáng kể là các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận như: Dệt thổ cẩm; điệu múa Tân’Tung Da’dá; Nói lý hát lý và các giá trị văn hóa vật thể sống động của đồng bào Cơ Tu như: Văn hóa Làng Cơ Tu, không gian kiến trúc Cơ Tu và các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ, dân ca, dân vũ, các lễ hội dân gian gắn với các hoạt động lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, mang đậm văn hóa rừng.

Ngoài ra, Tây Giang còn là địa phương có nhiều cánh rừng nguyên sinh với các loại cây gỗ quý như: Pơmu, lim, đỗ quyên… và dưới tán rừng, các loại thảo dược quý như: Đẳng Sâm, Ba kích, sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Thất dịp nhất chi hoa, Táo mèo… đang là nguồn nguyên liệu, được người dân gìn giữ, phát triển.

“Với những giá trị độc đáo trên, thời gian qua huyện đã có nhiều chủ trương, định hướng, chính sách để phát triển du lịch với mục tiêu xuyên suốt là dựa vào rừng, lấy rừng làm nhân tố gốc và lấy việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, nhất là giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu làm nền tảng để phát triển du lịch. Với định hướng đó, đến nay du lịch Tây Giang đã và đang phát triển theo hướng chủ yếu là “Du lịch xanh”- Trưởng phòng VHTT huyện Tây Giang chia sẻ.

Rừng là vốn quý cho Du lịch Tây Giang phát triển

Theo ông Lê Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, để hướng đến một nền du lịch phát triển dựa vào rừng và truyền thống văn hóa cộng đồng, ngày 28/8/2014 Huyện ủy Tây Giang ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HU về xây dựng và phát triển con người, văn hóa Tây Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Kế đến, Huyện ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17-NQ/HU về kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang giai đoạn 2014-2021 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, UBND huyện ban hành Quyết định số 2155/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14 và đặc biệt là Nghị quyết số 17 của Huyện ủy Tây Giang, đến nay du lịch Tây Giang phát triển từ những mô hình, cách làm còn đơn giản, đơn điệu; từ chỗ chưa có nhiều du khách tìm đến đã phát triển một bước đáng kể và bền vững. Huyện đã sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 08/10 xã có nhà Gươl, 63/63 thôn có Gươl thôn và đã xây dựng 03 làng truyền thống: Làng truyền thống Cơ Tu (01 Gươl, 10 nhà dài, 10 nhà sàn, 01 nhà mồ); Làng văn hóa cộng đồng Pơr ning (01 Gươl, 08 nhà sàn truyền thống); Làng văn hóa cộng đồng ngã ba Azứt (01 Gươl, 06 nhà sàn).

Nhằm bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, đến nay huyện Tây Giang đã sưu tầm hơn 50 hiện vật, bao gồm các công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ, vũ khí thô sơ, các tượng chạm khắc bằng gỗ; sưu tầm và in 100 bài dân ca, bài nói lý- hát lý; thành lập 02 làng nghề dệt thổ cẩm và đan lát; 10 câu lạc bộ hát dân ca Cơ Tu. Đặc biệt, huyện đã sưu tầm chữ viết Cơ Tu in thành sách; thường xuyên mở các lớp học (ngoài cộng đồng lẫn trong trường học) để truyền dạy đánh trống, chiêng, thanh la, điệu múa Tân’tung Da’dá và nhiều lớp học đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu…

 Tây Giang vào Hội.

Ngoài phát huy các giá trị truyền thống văn hóa bản địa, Tây Giang cũng đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó đến nay nhiều cánh rừng quý hiếm đã được địa phương khai thác để phát triển du lịch. Du khách tìm đến đây được khám phá các giá trị từ rừng, nhất là rừng Pơ mu với số lượng hàng ngàn cây đã được công nhận là “Cây di sản” và được mệnh danh là “Vương quốc Pơ mu”. Ngoài ra, rừng Đỗ quyên cổ, rừng lim xanh, rừng đa cổ thu… cũng là những địa chỉ mà du khách tìm đến tham quan, khám phá./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực