Bài 4: Sứ mệnh kết nối xây dựng hệ sinh thái tương hỗ trong nông nghiệp

*Doanh nghiệp kiên cường và sáng tạo vượt qua đại dịch
Thứ năm, 19/05/2022 16:23
(ĐCSVN) - Ngỗng - An Biên Food là doanh nghiệp xã hội đồng hành cùng nông dân, chuyên gia và khách hàng xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, nhằm mang đến những sản phẩm nông nghiệp an toàn, tự nhiên và hữu ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội.

Bài 3: Khơi nguồn từ yêu thương với sản phẩm thảo dược Tây Nguyên

Bài 2: Đồng hành cùng bà con nông dân kiến tạo hệ sinh thái lúa tôm bền vững

Bài 1: Những cánh én báo mùa xuân

Thông qua các sản phẩm, hoạt động và dự án, 51% lợi nhuận của doanh nghiệp được dành để đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân và người yếu thế trong cộng đồng, kết nối xây dựng hệ sinh thái tương hỗ trong nông nghiệp.

 Mô hình trồng lúa ST25 kết hợp ruộng rươi. (Ảnh: An Biên Food cung cấp)

Ruộng rươi và chuyện chọn giống thuần Việt

Trên hành trình du học Hà Lan về phát triển bền vững rồi xuyên Việt đi tìm hướng đi cho mình, qua rất nhiều trang trại trên khắp các tỉnh thành với rất nhiều tiềm năng, tài nguyên bản địa, Bùi Ngọc Cường đã nhen nhóm ý định phát triển một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Nhớ lại hình ảnh đàn ngỗng hàng trăm con đang ăn thóc ruộng rươi - một đặc sản quê hương - nhưng vì chưa có thương hiệu nên không có chỗ đứng trên thị trường và người nông dân đang dần bỏ trồng cấy lúa vì năng suất thấp, Cường quyết định về quê phát triển thương hiệu “Ngỗng” với sản phẩm đầu tay là gạo Ngỗng - gạo từ ruộng rươi. Cái tên “Ngỗng” như một lời nhắc nhở về sự giàu có trù phú của quê hương đất nước, về những sản phẩm nông sản Việt cần được nâng cao vị thế và những người nông dân cần có sự đồng hành của những người trẻ.

Lựa chọn giống gạo thuần Việt ST24, ST25 từ miền Nam đem về ruộng rươi ngoài Bắc, Ngỗng kết hợp hình thức luân canh cùng hệ sinh thái rươi sẵn có trong lòng đất tạo nên mối quan hệ hài hòa: nhà nhà có lợi cùng chia. Đây là những giống lúa có đầy đủ yếu tố để sinh trưởng và phát triển tốt trên ruộng rươi, cho hạt gạo ngon nhất thế giới, có khả năng thích nghi vùng ngập mặn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Nếu rễ lúa và lúa hoai mục tạo điều kiện dinh dưỡng lý tưởng cho rươi lớn khỏe thì sau khi thu rươi, phân rươi, phân tôm và thức ăn cho rươi còn đọng lại tiếp tục bồi đắp cho lúa non mới cấy tiếp tục phát triển và tích trữ tinh hoa ngọt lành cho gạo mẩy hạt và có vị ngọt thơm đặc trưng khó lẫn. Tất cả các yếu tố trên kết hợp tạo nên mô hình nông nghiệp tuần hoàn, cân bằng hệ sinh thái và tạo nguồn thu ổn định cho người nông dân, mô hình bền vững cho doanh nghiệp và sản phẩm sạch chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Cam chú Phúc - Dự án Vườn đồng hành

Dự án  Vườn đồng hành - Cam chú Phúc đem lại hiệu quả. (Ảnh: An Biên Food cung cấp)

Nhận thức rằng, chính người nông dân là người có trách nhiệm với thương hiệu, uy tín của mình nên Ngỗng đã hỗ trợ và đồng hành cùng dự án "Cam chú Phúc" - vườn cam 21 tuổi ở Hàm Yên, Tuyên Quang. Đây là bằng chứng cụ thể minh chứng cho sự thành công của Ngỗng khi liên tục đồng hành cùng người nông dân. Sau khi xác định được đối tượng khách hàng, ở giai đoạn đầu, Ngỗng tập trung vào đặt tên thương hiệu, thiết kế logo, thiết kế bao bì sản phẩm, thiết kế tờ rơi. Sau đó, Ngỗng truyền thông sản phẩm bằng cách kể câu chuyện tạo ra sản phẩm, quy trình canh tác, những điểm khác biệt, những trải nghiệm chân thực, những giá trị cộng đồng tốt đẹp… “Khi lựa chọn kênh phân phối, Ngỗng lựa chọn 2 kênh là bán hàng trực tuyến (qua MXH facebook, website, các trang thương mại điện tử) và phân phối cho các cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, chỉ trong 1 tháng, Ngỗng đã bán được hàng chục tấn "Cam Chú Phúc" dù giá cao hơn nhiều so với các mùa trước”, anh Bùi Ngọc Cường cho biết.

Sau 4 năm chuyển đổi sang mô hình trồng hữu cơ, vụ cam năm 2020, gia đình ông Hoàng Thọ Phúc thu hoạch 26 tấn cam và được bán với giá cao hơn thị trường chung. Ngoài "Cam Chú Phúc", Ngỗng đang đồng hành để xây dựng một số thương hiệu nông sản khác. Trên các kênh bán hàng online của Ngỗng đang bán các sản phẩm nông sản gồm: Gạo ST25 ruộng rươi do chính Ngỗng sản xuất, bột sắn dây Chú Hòa, mật ong nguyên chất đảo Bầu, cam Chú Phúc (vào dịp Tết). Ngoài ra là sản phẩm chế biến từ những sản phẩm thô xuất phát tại các vùng nguyên liệu của Ngỗng từ bột sữa hạt đòng đòng, dấm gạo lứt (với gạo non từ ruộng rươi của Ngỗng)... Sản phẩm chế biến sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm, đồng thời hướng tới các thị trường nước ngoài. “Sự hiệu quả của mỗi mô hình nhỏ là minh chứng rõ nhất để những người nông dân khác trong vùng họ nhận thấy giá trị và mong muốn làm theo”, anh Cường chia sẻ quan điểm của Ngỗng trong dự án “Vườn đồng hành”.

Sứ mệnh của Ngỗng

Ở Ngỗng, chúng tôi tin rằng, Ngỗng cũng như mỗi thành viên trong team là một hạt mầm, một cái cây nhỏ sẽ sinh trưởng phát triển tốt nhất trong một khu vườn hữu cơ, sinh thái. Trong khu vườn đó không chỉ có mình Ngỗng, mỗi cây, mỗi con, mỗi cá thể đều sinh trưởng, phát triển bình đẳng và được tôn trọng, được trao quyền và tạo ra giá trị. Ngỗng không được “sở hữu” hay “tạo nên” từ một cá nhân mà từ một tập thể đa dạng tính cách, năng lực, tiềm năng trong cùng một hệ sinh thái. Mỗi thành viên, mỗi sản phẩm, mỗi đối tác và cả môi trường, thiên nhiên cũng là một phần trong hệ sinh thái đấy.

Từ khi thành lâp năm 2018, Ngỗng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho nông dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững với các chuyên gia trong và ngoài nước, phát triển các sản phẩm chế biến để nâng cao giá trị nông sản Việt cũng như giảm áp lực được mùa, mất giá cho bà con. Bên cạnh đó, Ngỗng cũng xây dựng các kênh truyền thông kết nối, hướng dẫn nông dân cách chia sẻ, giới thiệu về các hoạt động của vườn. Đặc biệt, tour “Chuyến đi của Ngỗng” kết nối người tiêu dùng và người sản xuất đã giúp hai bên hiểu những kì vọng, mong muốn cũng như thách thức của nhau để đồng hành và sẻ chia khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp sinh thái. Ngỗng cũng trích một phần sản lượng nông sản để hỗ trợ các bạn nhỏ khuyết tật, người yếu thế trong xã hội.

Sẻ chia vượt bão

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi đối tượng và ngành nghề trong xã hội, trong đó người nông dân phải chịu tác động kép của cả dịch bệnh lẫn biến đổi khí hậu. Năm 2020, bên cạnh những khó khăn về chuỗi cung ứng, điểm phân phối bị giãn cách do dịch bệnh, nông dân đồng hành cùng Ngỗng mất 50% sản lượng vì nước biển dâng và xâm nhập mặn. Các hoạt động tổ chức đào tạo nông dân và tour “Chuyến đi của Ngỗng” bị tạm dừng khiến hoạt động truyền thông, bán hàng của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm.

 Những chuyến đồng hành cùng Ngỗng - An Biên Food. (Ảnh: An Biên Food cung cấp)

Xác định dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, trong năm 2020, Ngỗng tập trung thay đổi mô hình kinh doanh, xây dựng kênh bán hàng online thích ứng với dịch bệnh, đồng thời nâng cao năng lực thông qua dự án EFD dành cho các doanh nghiệp tạo tác động do Oxfam và CSIP tổ chức.

Khoảng thời gian giãn cách vì dịch bệnh không chỉ khiến những người nông dân của Ngỗng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm mà người tiêu dùng thành thị cũng bị giảm thu nhập, mất việc, cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, nhu cầu về thực phẩm sạch lại tăng mạnh và khách hàng cũng hiểu hơn về tác động của con người đến môi trường, hệ sinh thái và sức chống chịu mong manh của nền kinh tế, GDP dưới các tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Có một dòng người hoang mang rời thành thị về quê tránh dịch, họ đã từng là nông dân rời bỏ quê hương và giờ trở về thì sẽ sống bằng phương kế gì? Xuất phát từ câu hỏi đó, team Ngỗng phát triển dự án “Cánh đồng sẻ chia”. Trong dự án mới này, khách hàng sẽ trả tiền và đặt hàng trước từ đầu vụ với tiêu chuẩn mong muốn và giá thành tiết kiệm hơn đến 30% còn người sản xuất có vốn đầu tư để chủ động sản xuất, ổn định đầu ra và thu nhập. Dự án đã được đón nhận nhiệt tình từ phía khách hàng và nông dân.

Giai đoạn 2021 - 2022, “Cánh đồng sẻ chia” tập trung kết nối vùng nguyên liệu ruộng rươi ở Hải Phòng và mô hình gạo enzyme tại Thanh Hóa. Trong vụ đầu tiên chạy thử nghiệm của dự án, vụ chiêm 2021 (tháng 12/2020 – 06/2021), dự án kết nối được 53 nông hộ tại vùng ruộng rươi Hải Phòng và gạo enzyme Thanh Hóa với sản lượng dự tính là 50 tấn gạo. Qua 2 vụ lúa năm 2021, đã có hơn 400 sổ gạo được đặt và hơn 200 hộ nông dân tham gia, mở rộng vùng sản xuất ở Hải Dương và Kiên Giang. Doanh thu của doanh nghiệp trong quý III/2021 cũng tăng trưởng 50% mỗi tháng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì lương cho nhân sự, mở rộng diện tích canh tác hữu cơ, sinh thái và số nông hộ đồng hành cũng như duy trì được những cam kết hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội. Dự án nhận Giải 3 Siêu Sao Xanh năm 2021 do Greenhub và Oxfam tổ chức, đồng thời nhận sự hỗ trợ truyền thông từ Facebook và VCCI./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực