Bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ

Thứ năm, 20/07/2023 23:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Với mong muốn trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ, qua đó thúc đẩy sự hợp tác và phát triển thương mại giữa hai quốc gia, chiều 19/7, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ".
Đại diện gần 150 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau tham dự Hội thảo (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện gần 150 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh thời gian gần đây, khi thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ tăng nhanh, các giao dịch thương mại ngày càng nhiều, theo đó cũng xuất hiện nhiều tranh chấp thương mại. Có vụ việc xảy ra do yếu tố khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột, bất ổn, nhưng có những nguyên nhân chủ quan do các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế dẫn đến những tranh chấp thương mại. Trong các tranh chấp thương mại gần đây, hầu hết phần thua thiệt nghiêng về phía doanh nghiệp Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng đã dẫn chứng các vụ tranh chấp thương mại cụ thể với đối tác Ấn Độ mà Thương vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước giải quyết thành công trong thời gian vừa qua.

Các vụ việc này bao gồm cả việc doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ và nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ về Việt Nam. Có trường hợp đối tác mới lần đầu tiên ký kết hợp đồng mua bán, nhưng cũng có trường hợp đã hợp tác kinh doanh nhiều lần. Khi xảy ra tranh chấp, hàng hóa phải lưu kho trong thời gian dài, chi phí lưu kho, thuê container ngày một lớn, nhiều trường hợp doanh nghiệp thiếu kiên trì trong đàm phán đã phải chịu thiệt hại lớn.

Từ những trường hợp thực tế này,  Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ càng thông tin của đối tác và kiểm chứng mức độ uy tín của đối tác trước khi ký kết hợp đồng; nên trực tiếp đến Ấn Độ để gặp gỡ đối tác, khảo sát hoạt động kinh doanh của công ty, và tìm hiểu các thông tin quan trọng như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website, đại diện pháp nhân, mã số doanh nghiệp, mã số thuế GST và mã xuất nhập khẩu IEC.

Bên cạnh đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc kiểm chứng độ tin cậy của doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ. Ông cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ sẽ được các cơ quan có thẩm quyền sở tại đánh giá độ uy tín và quy mô từ 1 đến 5 sao. Mức độ sao phụ thuộc vào nhiều tiêu chí như quy mô doanh nghiệp, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa-dịch vụ trong năm, số lượng lao động ….

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích tại Hội thảo (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

Về quá trình thương thảo hợp đồng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng khuyên các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và làm từng bước. Việc trao đổi thông tin giữa hai phía cần được thể hiện bằng văn bản hoặc email. Đây cũng là một cách để tránh các tranh chấp sau này. Nên lựa chọn phương thức thanh toán L/C để đảm bảo an toàn trong giao dịch. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp cần bình tĩnh đánh giá tình hình, trao đổi trực tiếp với đối tác và các đơn vị trung gian như hải quan, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, hậu cần và cần sớm gửi khiếu nại lên Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ.

Tuy nhiên, để tránh những trường hợp tranh chấp khiếu nại có thể xảy ra, ông khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm kiếm một đơn vị trung gian uy tín, chuyên nghiệp để hỗ trợ từ khâu liên hệ, soạn thảo hợp đồng và tư vấn luật.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, sẽ nhận được sự phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã thành công trong kinh doanh với các đối tác Ấn Độ để nhân rộng mô hình thành công và tăng cường quan hệ thương mại giữa hai quốc gia./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực