|
Hai tháng gần đây, giá dừa bán tại vườn liên tục giảm. |
Theo nhiều doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất, kinh doanh dừa tại tỉnh Bến Tre, giá dừa khô giảm mạnh do gần đây đầu ra các sản phẩm dừa xuất khẩu có phần chậm và chịu sức ép giảm, do nhiều nguyên nhân tác động. Có sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa trên thế giới. Nhiều nước xuất khẩu dừa trong khu vực và trên thế giới đã hạ giá bán để thu hút khách hàng. Sức mua tình hình chung giảm.
Cụ thể: Hai tháng gần đây, giá dừa khô bán tại vườn liên tục giảm. Hiện tại, giá dừa khô được bán tại vườn (cho thương lái) ở mức từ 35 - 40 ngàn đồng/chục đối với dừa đã bẻ (hái dừa) sẵn và khoảng 25 - 30 ngàn đồng/chục đối với dừa mua xô và thương lái tự bẻ. Trước tình hình này, đời sống của người trồng dừa gặp khó khăn, việc duy trì vùng nguyên liệu dừa và liên kết phát triển diện tích dừa hữu cơ đang là vấn đề đặt ra.
Ngoài ra, giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa... Hiện tại, các sản phẩm phụ phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, như: vỏ dừa, gáo dừa, chỉ xơ dừa, nước dừa làm thạch. Trung Quốc cũng đang thực hiện chính sách siết chặt quản lý thị trường xuất khẩu với lý do kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc, do Thái Lan không thể xuất khẩu qua Trung Quốc được nên buộc Thái Lan phải hạ giá bán để đẩy hàng. Vì vậy, lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, còn chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. Điều này đã tác động trực tiếp đến giá dừa tại địa phương.
Các nước như Hoa Kỳ, châu Âu đang kiểm soát lạm phát, khống chế tăng giá. Do đó, các nhà nhập khẩu dừa tiềm năng này của Bến Tre cũng sẽ tìm mua sản phẩm với giá thấp. Bên cạnh đó, giá bao bì, xăng dầu, chi phí vận chuyển ra cảng, chi phí thuê container... đều tăng từ 20 - 30% so với trước đây, trong khi giá bán các sản phẩm từ dừa không tăng được thì bắt buộc DN phải hạ giá thu mua.
Theo sở Công Thương, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ (tương đương tăng 70 tỷ đồng), chiếm 10,32% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 253 triệu USD, tăng 7,17% so với cùng kỳ. Cụ thể, cơm dừa nạo sấy 11.023 tấn, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước; nước cốt dừa 32,767 triệu lít, tăng 1,72%; nước dừa tươi 19,168 triệu lít, tăng 22,86%... Sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ... Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 90 DN tham gia xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa.
“Những DN dẫn đầu” ngành dừa Bến Tre (Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần XNK Bến Tre... đã có chứng nhận FDA, Halal, Kosher, BSCI, BRC, Organic). Hầu hết các DN có nguồn nguyên liệu đủ cho chế biến xuất khẩu, có nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn có hệ thống phân phối bán hàng trong và ngoài nước khá ổn định. Một số DN có liên kết với nông dân trồng dừa hữu cơ.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của thế giới sẽ thay đổi và chuyển sang sử dụng sản phẩm hữu cơ, nhưng việc hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện còn ít, chưa thu hút được nông dân tham gia. Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, diện tích dừa hữu cơ hiện chiếm 19,8% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Mục tiêu trong thời gian tới là vận động tuyên truyền, hỗ trợ nông dân liên kết, đồng thuận đẩy nhanh phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ. Đối với trái dừa tươi, hoạt động xuất khẩu càng khó khăn hơn do các rào cản về kỹ thuật, cước vận chuyển tăng cao.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh xuất khẩu được khoảng 2,7 triệu trái dừa tươi (tương đương 1,9 triệu USD), giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá xuất khẩu cũng giảm khoảng 15 - 20% (16 ngàn đồng/trái giá FOB năm nay so với 20 - 22 ngàn đồng/trái năm 2021). So với cả năm 2021, toàn tỉnh xuất khẩu được hơn 16 triệu trái, thì trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu giảm rất nhiều...
Tại cuộc họp liên quan đến ngành dừa Bến Tre do Sở Công Thương vừa tổ chức, Sở Công Thương đã tổng hợp ý kiến, đề xuất giải pháp của các ngành liên quan, Hiệp hội dừa và các DN. Theo đó, sẽ tăng cường cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài thông qua nhiều hình thức; theo dõi, thường xuyên liên hệ với DN để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của DN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các DN.
Theo đó, sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với tham tán thương mại tại các nước là các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng của tỉnh, để nắm được các nhu cầu, thị hiếu, cảnh báo về thị trường... Từ đó, thông tin kịp thời đến DN và nhất là nhờ các đại sứ hỗ trợ kết nối các DN trong tỉnh với nhà nhập khẩu các nước, chú trọng các nước trong Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tiếp tục hỗ trợ các DN xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử như tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba... để thúc đẩy xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển liên kết bền vững các chuỗi sản phẩm dừa, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác liên kết với các DN phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung, tăng diện tích trồng dừa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến. Hướng dẫn người nông dân trồng dừa hữu cơ. Khuyến cáo người nông dân không nên mở rộng diện tích trồng dừa uống nước quá nhiều, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong thời gian 3 - 4 năm tới./.