|
Bình Phước cam kết luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn (Ảnh: Báo Bình Phước) |
Đó là khẳng định của đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tại hội nghị hội tiến đầu tư giữa tỉnh Bình Phước với các nhà đầu tư Singapore diễn ra sáng nay 5/7.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết, Bình Phước đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với số lượng lao động chiếm hơn 60% dân số. Đây là cơ hội thuận lợi để Bình Phước thu hút nguồn nhân lực và sử dụng lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử của tỉnh đều trong nhóm các địa phương dẫn đầu. 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong tỉnh đã sử dụng hoá đơn điện tử. Việc này có ý nghĩa quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỉnh Bình Phước luôn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện. Đặc biệt, để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, làm cơ sở tiếp tục đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối đến cảng Cái Mép - Thị Vải, tương lai sẽ kết nối với Vương quốc Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước; đường ĐT753B và cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai và sân bay quốc tế Long Thành; các dự án dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
|
Trung tâm điều hành thông minh (IOC ) tỉnh Bình Phước ra đời được ví như “viên gạch đầu tiên” đặt nền móng cho việc xây dựng “chính quyền số”. (Ảnh: Tường Vy) |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, những điều kiện như trên, những năm qua, Bình Phước đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Singapore. Bằng chứng là trong năm 2021, Bình Phước thu hút được 63 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư 515 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh thu hút được 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 48 triệu USD.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 354 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3 tỷ 369 triệu USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có 15 dự án của các nhà đầu tư Singapore với số vốn đầu tư 286 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn FDI của tỉnh. Các lĩnh vực chủ yếu mà các nhà đầu tư Singapore lựa chọn đầu tư tại Bình Phước là chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm; sản xuất thức ăn gia súc; sản xuất pin, ắc quy...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền mong muốn các nhà đầu tư Singapore tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực mà Bình Phước quan tâm như: công nghiệp chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất; chế biến thực phẩm; chế biến hàng hóa từ mủ cao su; công nghiệp điện tử, sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị trong công, nông nghiệp; đầu tư xây dựng các khu thương mại, dịch vụ; đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục...
Hiện nay, Bình Phước có 13 KCN với tổng diện tích trên 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%, trong đó KCN Becamex - Bình Phước diện tích 2.450 ha và KCN Minh Hưng - Sikiko diện tích 655 ha. Đây là 2 KCN mới, có quy mô lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và giao thông đi lại thuận tiện, rất thích hợp cho các nhà đầu tư. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh mở rộng thêm 3 KCN với tổng diện tích 2.500 ha, trong đó KCN Bắc Đồng Phú 900 ha, KCN Nam Đồng Phú 600 ha, KCN Minh Hưng - Sikiko 1.000 ha; quy hoạch mới 5 KCN với tổng diện tích 6.800 ha, trong đó có KCN Đồng Phú 3.300 ha. Ngoài ra, tỉnh có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với diện tích 28.000 ha.
|