Bình Thuận: Ngành năng lượng tái tạo đóng vai trò then chốt trong định hướng phát triển

Thứ sáu, 20/10/2023 14:49
(ĐCSVN) – Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển gió và mặt trời, đến nay ngành năng lượng tái tạo của Bình Thuận có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh. Hằng năm, ngành năng lượng tái tạo đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng gần 500 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát huy tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Đặc trưng của Bình Thuận là nắng nóng, ít mưa; cùng với bờ biển dài hơn 192 km nên tỉnh Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió với mặt trời.

Năm 2013, tại Kết luận số 76-KL/TW về một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến 2020, Bộ Chính trị đã định hướng phấn đấu đến năm 2020, Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia; trong đó, chú ý phát triển điện gió, điện khí và điện mặt trời…

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ Bình Thuận đã tập trung triển khai, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025; năm 2026, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Trung tâm năng lượng tỉnh Bình Thuận”, tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các dự án năng lượng sạch; đồng thời, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm đưa dự án vào hoạt động.

Đến nay, Bình Thuận có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện, với tổng công suất 1.409,71 MW, gồm 9 nhà máy điện gió tổng công suất 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời tổng công suất khoảng 1.110,11 MW (tương đương 1.344 MWp) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải khẳng định, 10 năm qua, dưới sự định hướng đúng đắn của của Bộ Chính trị, sự quan tâm, tạo điều kiện của Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; đến nay ngành năng lượng tái tạo của Bình Thuận có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh; trong đó ngành năng lượng tái tạo đã đóng góp vào ngân sách tỉnh hằng năm khoảng gần 500 tỷ đồng.

Nhà máy Điện gió Thái Hoà  từ khi đi vào hoạt động ổn định đã cung cấp cho lưới điện 380 triệu Kwh và đóng góp  cho ngân sách cho tỉnh hơn 140 tỷ đồng.

Nhà máy Điện gió Thái Hoà do Công ty Cổ phần Năng lượng Pacific Bình Thuận là đơn vị thành viên của Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư. Nhà máy khởi công tháng 7/ 2020 và phát điện vào tháng 10/2021. Từ khi vận hành ổn định đến nay đã cung cấp cho lưới điện 380 triệu Kwh và đóng góp  cho ngân sách cho tỉnh hơn 140 tỷ đồng. Nhà máy có hơn 30 cán bộ, nhân viên, với 80% là người địa phương.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Pacific Bình Thuận cho biết: Trong quá trình triển khai, Tập đoàn đã hợp tác với những đối tác lớn, giàu kinh nghiệm của Đức để bảo đảm được chuyển giao những công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý và xây dựng nhà máy điện gió. Ngoài ra, yếu tố thân thiện với môi trường luôn được chú trọng.  Nhà máy tuân thủ đúng các quy định pháp luật về môi trường, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng quỹ đất hiệu quả...

Thời gian qua được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp thuận tiện trong quá trình đầu tư và vận hành. Hoạt động của nhà máy không chỉ bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Thuận.

Một trong những thế mạnh của tỉnh Bình Thuận hiện nay là các dự án điện năng lượng mặt trời. Chúng tôi đã tới tìm hiểu về Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 do Tập đoàn Hà Đô phát triển, nằm trên địa bàn xã Hồng Phong - huyện Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất của các nước G7 hiện nay như: Sử dụng công nghệ trục xoay (tracking system) của Ideematec (Đức) mang lại điện lượng cao hơn công nghệ giá đỡ cố định đến 25% và tạo ra điện lượng ổn định, tấm pin P19 công nghệ Shingled Mono PERC với hiệu suất lên đến hơn 19,4% giúp đạt hiệu suất phát điện cao và tiết kiệm diện tích đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Vũ, Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 cho biết: Dự án có diện tích 58,1 ha với công suất 48 MWp, phát điện hằng năm vào lưới điện quốc gia là 92 triệu KWh/năm, doanh thu 200 tỷ/năm, đóng thuế cho nhà nước là 34 tỷ/năm.

Bên cạnh những thuận lợi trong việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, ông Vũ cho biết, hiện một vấn đề Công ty gặp phải đó là việc phát điện, hiện do quá tải đường dây và phụ tải thấp, vì vậy nguồn điện không được sử dụng hết. Vì vậy, cần phải nâng cao khả năng phụ tải của đường dây để tránh lãng phí nguồn năng lượng sạch có sẵn.

 Ông Đoàn Văn Vũ, Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 (áo xanh) trao đổi với phóng viên.

Tập trung cho điện gió ngoài khơi

Song song với phát triển điện gió, điện mặt trời, theo đồng chí Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong định hướng của tỉnh về năng lượng tái tạo, Bình Thuận xác định điện gió ngoài khơi là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, đồng lực dẫn dắt phát triển trung tâm năng lượng tái tạo của Bình Thuận. Dựa trên tài nguyên gió, số giờ gió, tốc độ gió bình quân cao, thềm lục địa nông nên suất đầu tư thấp. Mặt khác, các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn, diện tích chiếm đất ít nên công tác quy hoạch thuận lợi; việc lãnh đạo, chỉ đạo, dồn lực hỗ trợ nhà đầu tư sẽ tập trung hơn, hiệu quả cao hơn.

Đến nay các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký khảo sát và lập dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh có tổng công suất 25.200 MW, trong đó có các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đến từ Anh, Đan Mạch, Na Uy… một số dự án đã được Thủ tướng và Bộ Công thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát. Ngoài ra việc phát triển điện gió ngoài khơi và việc thông qua quá trình sử dụng nguồn điện gió ngoài khơi điện phân nước biển để tạo ra hydro xanh và các hoá chất ngành công nghiệp sẽ khuyến khích việc khởi tạo và phát triển ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu năng lượng hydrogen.

“Hy vọng quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, tỉnh Bình Thuận sẽ được Trung ương cho chủ trương thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi và có một số dự án điện gió ngoài khơi được chấp thuận đầu tư” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải bày tỏ./.

Phú Đức- Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực