Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 43 nghìn tỷ đồng

Thứ sáu, 11/10/2024 20:22
(ĐCSVN) – 9 tháng đầu năm 2024, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực; đã giải ngân 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm.
 Đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn đã được khởi công nâng cấp trong tháng 6/2024. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Tại Hội nghị giao ban công tác quý 3 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào sáng 11/10, ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, 9 tháng của năm 2024, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực.

Với tổng số vốn 71.288 tỷ đồng Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến hết tháng 9 vừa qua, Bộ đã giải ngân 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân tương đương với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (trung bình cả nước 9 tháng giải ngân đạt 47%).

Trước đó, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) báo cáo, giá trị giải ngân 9 tháng năm 2024 tập trung chủ yếu ở các Dự án cao tốc Bắc - Nam với giá trị gần 24.300 tỷ đồng (chiếm 56% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT). Các dự án ODA giải ngân 2.623 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Các dự án trong nước khác giải ngân gần 13.000 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch.

Cũng trong 9 tháng, Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông; dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80 Quốc lộ 4B qua tỉnh Lạng Sơn và Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.

Ở lĩnh vực đường sắt, Bộ cũng khởi công dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét.

Cũng tại hội nghị lần này, theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nguồn vật liệu cho các dự án đã được các địa phương tích cực triển khai; mỏ cát biển tại tỉnh Sóc Trăng được khai thác vào ngày 30/6/2024, bổ sung thêm nguồn vật liệu cho các dự án khu vực phía Nam.

Hiện đa số các dự án triển khai thi công đáp ứng tiến độ đề ra, nhiều dự án đã rà soát và đăng ký rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng. Cụ thể, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang triển khai, có 6 dự án thành phần phấn đấu hoàn thành ngày 30/4/2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang. Có 3 dự án thành phần phấn đấu hoàn thành ngày 30/9/2025 gồm: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong.

Riêng dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2km tiến độ hoàn thành năm 2026, song nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả cũng đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để hoàn thành trong năm 2025.

Bên cạnh các dự án có tiến độ khả quan, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng chỉ ra một số dự án có tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu do vướng mắc mặt bằng, vật liệu như: Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau./.

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực