Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh

Thứ sáu, 29/07/2016 21:07
(ĐCSVN) - Chiều 29/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu trao đổi, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

 


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội
 6 tháng đầu năm 2016. 
Ảnh: Đỗ Thoa

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ hai nội dung gồm: việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; và những vấn đề chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả của đầu tư công.

Liên quan đến vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, bằng việc ban hành và thực thi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư và các luật khác có liên quan thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở rộng, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh đã được nâng cao, đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh, rủi ro và chi phí cho các doanh nghiệp. Mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đã được cải thiện rõ nét và mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến cuối năm 2016 môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đạt mức trung bình của ASEAN 6 và đến năm 2020 trong nền kinh tế sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả.

Nhấn mạnh việc tiếp tục phát huy và duy trì các kết quả nêu trên trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ đã tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và coi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Và, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thay đổi quan điểm của quản lý Nhà nước từ quản lý chuyển sang phục vụ, và chuyển từ khâu tiền kiểm sang khâu hậu kiểm. Đây là một thay đổi lớn mà chắc chắn trong thời gian tới sẽ có cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.

Để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để giảm các chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, xem xét để giảm các lãi suất cho vay. Rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hàng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp thực chất đối với doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo thông lệ quốc tế, cải cách các điều kiện kinh doanh đã loại bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh bất hợp lý không rõ ràng hoặc không còn phù hợp, góp phần giảm các rào cản xâm nhập thị trường, và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách hành chính về thuế, giảm thời gian kê khai nộp thuế, hoàn thuế và nộp BHXH, cải cách thủ tục hải quan nhất là các quy định về kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian về thông quan đối với doanh nghiệp…Giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thường xuyên theo dõi, đánh giá các bộ, UBND các tỉnh trong tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp. Tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cung cấp thông tin và cách thức mới tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định. Chính phủ cũng chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Quy hoạch để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua trong các kỳ họp tới. Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát và cải cách các điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp của các luật làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tương thích với tình hình hội nhập và tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đầu tư công cũng có những hạn chế, tồn tại nhất định, trong đó nổi lên là việc chấp hành các quy định của pháp luật ở một số cơ quan đơn vị còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành tốt các quy định về bố trí vốn; về theo dõi thực hiện; chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt; đầu tư còn dàn trải, thất thoát; kiểm soát quy mô đầu tư, định mức, đơn giá còn lỏng lẻo và chưa chặt chẽ dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn so với thực tế.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đầu tư còn bất cập, một số dự án đầu tư hiệu quả chưa cao; một số dự án chậm tiến độ, một số dự án hoàn thành nhưng không đạt được hiệu quả đề ra; chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; một số địa phương để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, nhất là trong thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tình trạng ỉ lại vào nguồn vốn Trung ương chưa được khắc phục triệt để...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực