Các địa phương cần tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông nông sản

Thứ năm, 29/07/2021 21:33
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề chủ động vẫn thuộc về các địa phương, đo đó, đề nghị UBND các tỉnh nắm địa bàn sát hơn nữa, lắng nghe các doanh nghiệp hơn nữa để duy trì sản xuất rau củ quả mùa vụ, thu hoạch lúa Hè Thu, gieo trồng lúa Thu Đông, nuôi tôm giống,…

Chiều 29/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối cung – cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện COVID-19”.

Tham dự Diễn đàn, ngoài Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT còn có đại diện các Sở NNN&PTNT của Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ; Sở Công thương, Sở NN&PTNT Hà Nội; đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trồng trọt; đại diện các nhà phân phối, các chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, trên địa bàn tỉnh, việc vận chuyển hàng hóa có gặp khó khăn trong vài ngày đầu giãn cách, nhưng sau đó, nhờ các đơn vị tạo điều kiện, hàng hóa đã lưu thông tốt hơn mà vẫn đảm bảo được an toàn phòng dịch.

Tuy nhiên, vấn đề là giữa các tỉnh hiện nay, quy định về vận chuyển chưa thống nhất. Do đó rất mong có chỉ đạo thống nhất giữa các địa phương để các doanh nghiệp nắm được để phòng dịch tốt nhưng không bị đứt gãy chuỗi cung cấp.

 Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các địa phương cần bám sát địa bàn hơn nữa để duy trì sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa: KV) 

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, tỉnh đang gặp khó khăn đối với mặt hàng chanh. Nguyên do là các thương lái thu mua chanh đều qua chợ đầu mối và bị ngưng trệ tại đó. Bên cạnh đó, lúa trên địa bàn tỉnh đã vào mùa thu hoạch chính, nhưng một số kho lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua. Tỉnh An Giang rất lo vì hiện nay có khoảng hàng nghìn ha lúa cần thu hoạch mỗi ngày.

Cũng theo ông Thọ, yêu cầu sản xuất trong mùa dịch cần đảm bảo “3 tại chỗ”. Nhưng điều ấy lại khiến công nhân ngại làm, khiến nhà máy xay xát khó hoạt động và không thể dự trữ.

Trên cơ sở đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang kiến nghị hoạt động sản xuất nông nghiệp nên được xem là thiết yếu, cần được ưu tiên. Cần có chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này. Nếu không, một trong những ảnh hưởng thấy rõ là người dân sẽ xuống giống muộn vụ Thu Đông, nguy cơ gây mất an ninh lương thực. Thứ nữa, lực lượng vận chuyển, thương lái cần được ưu tiên tiêm vắc - xin để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tại Diễn đàn, đại diện một số chuỗi siêu thị đã đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tại Đồng Nai đang đóng chợ truyền thống, nên khách dồn vào siêu thị. Việc người dân không được ra đường sau 18h thì shipper siêu thị cũng không thể giao hàng. Nhiều shipper đến chốt, lại không giao được cho người dân và phải quay đầu. Trong quá trình ấy, hàng hóa hỏng rất nhiều.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống COVID-19 đang xây những vùng an toàn trong 19 tỉnh, thành phía Nam. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành tự xây dựng bộ quy chuẩn cho những vùng này để đảm bảo sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, khó khăn hiện giờ chỉ còn nằm ở phía những Hợp tác xã, hộ nông dân nằm ngoài các chuỗi giá trị. Thứ trưởng cam kết sẽ sớm xây dựng các mô hình, để mở rộng chuỗi. Các doanh nghiệp đã đồng ý, và chờ dịch lắng sẽ tiến hành. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề chủ động vẫn thuộc về các địa phương. Do đó, đề nghị UBND các tỉnh nắm địa bàn sát hơn nữa, lắng nghe các doanh nghiệp hơn nữa để duy trì sản xuất rau củ quả mùa vụ, thu hoạch lúa Hè Thu, gieo trồng lúa Thu Đông, nuôi tôm giống,…

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đề xuất, các tỉnh cần chủ động tạo ra 'vùng xanh' cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình, điển hình như cách làm của Bắc Giang: Cho xe nằm trong vùng thu hoạch, ra đến cửa ngõ sẽ có xe trung chuyển vận chuyển đi tiêu thụ.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, VNPost và Viettel có thể tham gia vào quá trình cung cấp hàng hóa, bên cạnh đó hỗ trợ bà con đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, chủ đạo là Postmart và Vỏ sò./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực