(ĐCSVN) - Ngày 2/11 vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hiệp định vốn vay trị giá 92,6 tỷ Yên (tương đương 1,2 tỷ USD) dành cho 6 dự án. Các dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tại buổi họp báo tại Hà Nội sáng 2/11, ông Toshio Nagase – Phó trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh vấn đề nợ công ít nhiều cũng gây quan ngại đối với Việt Nam, thì Nhật Bản – với tư cách là “người cho vay” cũng như nhiều nhà đầu tư khác vẫn khẳng định sự hỗ trợ đối với Việt Nam thông qua các nguồn ODA.
|
Mô hình dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành). (ảnh: JICA) |
Ông cho biết, trong năm nay, JICA đã ký các Hiệp định vốn vay vào tháng 1 và tháng 6 với tổng giá trị 99,1 tỷ Yên (cho 5 dự án), nâng tổng số vốn vay được chấp thuận và ký kết trong năm 2011 lên tới 191,8 tỷ Yên (tương đương 2,4 tỷ USD cho 11 dự án). 6 dự án lần này được thực hiện theo 3 định hướng chính sau:
1 - Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế dựa trên mô hình hợp tác công tư: Dự án Phát triển Cảng biển nước sâu quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).
2 - Thúc đẩy tăng trưởng thông qua phát triển hạ tầng kinh tế: Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (Đoạn Bến Lức – Long Thành), Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn .
3 - Thúc đẩy hoạt động chính sách và nâng cao công nghệ nhằm ứng phó với thiên tai và thay đổi khí hậu: Chương trình Hỗ trợ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Dự án chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất.
Dự án xây dựng công trình cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)
Mục tiêu của dự án là xây dựng mới một cảng nước sâu và các hạ tầng liên quan ở khu vực Lạch Huyện nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng và phục vụ nhu cầu về sử dụng loại tàu trọng tải lớn của dịch vụ vận tải biển góp phần phát triển kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Khoản vay để xây dựng cảng, các cơ sở hạ tầng trong cảng và các hạ tầng liên quan (bao gồm đường dẫn và cầu dẫn), mua sắm thiết bị, dịch vụ tư vấn và các công việc liên quan.
Dự án sẽ áp dụng khoản vay theo điều khoản đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và nâng cao an toàn bằng việc sử dụng công nghệ Nhật Bản.
Dự án này được thực hiện trong bối cảnh: Dọc đường nối từ thành phố duyên hải phía Bắc (Hải Phòng) đến Hà Nội có rất nhiều nhà máy của công ty nước ngoài đang hoạt động góp phần phát triển khu vực. Cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân là hai cảng chính hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của các công ty này. Cả hai cảng này đều sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản để xây dựng và nâng cấp. Mặc dù đã có kế hoạch mở rộng và nâng cấp các cảng này trong tương lai nhưng các cảng này chỉ đáp ứng tổng lượng hàng hóa container là 40 triệu tấn.
Trong khi đó, dự báo theo tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam thì nhu cầu hàng hóa container thông qua các cảng ở khu vực phía Bắc Việt Nam sẽ đạt 42 triệu tấn vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên 59 triệu tấn vào năm 2020. Do vậy hai cảng trên rất khó đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa ngày càng tăng.
Hơn nữa, xu hướng kinh doanh vận tải quốc tế của các công ty vận tải biển ngày nay là sử dụng tàu container có trọng lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giảm chi phí. Để nâng cao năng lực của các cảng phía Bắc như là các cảng trung chuyển quốc tế, việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu cho tàu container có trọng tải lớn là rất cần thiết. Xét trên cả yếu tố kỹ thuật và xã hội, việc mở rộng cảng Hải Phòng và Cái Lân là khó thực hiện được. Do vậy, Lạch Huyện được lựa chọn để xây dựng cảng nước sâu quốc tế mới để đáp ứng nhu cầu khai thác các tàu container có trọng tải lớn.
Thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 2/ 2016 (thời gian bắt đầu khai thác hai bến).
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành) (I)
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm thương mại và công nghiệp lớn ở miền Nam Việt Nam. Tại đây có rất nhiều khu công nghiệp với sự hiện diện của nhiều công ty Nhật Bản. Do tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây ở TP Hồ Chí Minh, lưu lượng vận chuyển hàng hóa đã gia tăng đáng kể dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng. Trong tương lai, khi sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển dự kiến sẽ được xây dựng sẽ làm tăng thêm nhu cầu giao thông hơn nữa. Hiện nay, các tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 51 đang trong tình trạng quá tải. An toàn giao thông đáng là vấn đề bức xúc do nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, hệ thống đường bộ bất cập và xuống cấp. Đây là những vấn đề nhức nhối và cản trở chất lượng giao thông. Trong bối cảnh đó, việc nâng cấp các tuyến đường cao tốc để giảm bớt tắc nghẽn giao thông và tăng cường sự liên thông với các khu công nghiệp và sân bay, cảng biển là thật sự cần thiết.
Mục tiêu của dự án Dự án Xây dựng Đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành) là nhằm cải thiện dịch vụ cung ứng ở miền Nam Việt Nam và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở Thành phố Hồ Chí Minh bằng việc xây dựng một đường cao tốc mới từ Bến Lức đi Long Thành - một phần của tuyến đường cao tốc Bắc- Nam, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của khu vực.
Khoản vay sẽ được sử dụng cho việc xây dựng đường đạt tiêu chuẩn đường quốc lộ, mua sắm thiết bị, vật tư và dịch vụ tư vấn.
Dự án sẽ áp dụng các điều khoản đặc biệt cho đối tác kinh tế (STEP) và sử dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho việc xây dựng cầu và đường tiêu chuẩn cao. Dự kiến, đến tháng 4/ 2016, công trình sẽ được đưa vào sử dụng.
Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (III)
Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao về tổng sản phẩm quốc nội (GDP),ước tính xấp xỉ 8%, và kèm theo đó là nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng trung bình hàng năm ước tính là 13,5% trong giai đoạn 2004-2009 và nhu cầu điện năng vào giờ cao điểm đã tăng 1,5 lần, từ 10.500 lên 15.386 MW.
Xu hướng này đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái kinh tế gần đây, mặc dù kỳ vọng trong trung và dài hạn sẽ hồi phục và trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia lần thứ 6 của Việt Nam đã được phê duyệt năm 2007, nhu cầu tiêu thụ điện năng dự tính sẽ tăng hàng năm 17% đến năm 2015, tương ứng với đòi hỏi công suất tăng thêm trong giai đoạn 2008-2015 xấp xỉ 30.000 MW. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư phát triển điện được nêu ra trong quy hoạch tổng thể hầu như không được thực hiện đúng tiến độ đề ra, tạo ra sự căng thẳng làm mất cân bằng giữa cung và cầu về điện tại Việt Nam, dẫn đến không thể tránh được việc cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm.
Trong khuôn khổ Dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn (III), nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu đốt than công nghệ ngưng hơi truyền thống với công suất 600 MW (300MWx2 tổ máy) và các công trình phụ trợ sẽ được xây dựng tại khu kinh tế Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Dự án nhằm cải thiên khả năng cấp điện tại miền Bắc, và qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của khu vực này. Các khoản vay sẽ được phân bổ cho các hạng mục xây lắp, mua sắm vật liệu và thiết bị cần thiết cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than (2 tổ máy công suất 300 MW/tổ) và dịch vụ tư vấn.
|
Mô hình dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (Ảnh: JICA) |
Chương trình hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu (II)
Từ khi thực hiện chính sách cải cách “Đổi mới” năm 1986, nến kinh tế của Việt nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh dẫn đến sự gia tăng trong nhu cầu năng lượng (đối tượng trực tiếp sử dụng). Vì nguyên nhân này, phát thải khí nhà kính ở Việt Nam đang gia tăng với tỷ lệ tăng trung bình hàng năm (giữa giai đoạn 1990-2006) cao hơn các nước châu Á khác. Sự phát triển năng lượng tái tạo và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, hạn chế phá rừng và thực thi các biện pháp phòng vệ đặc biệt khác nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính đều là những vấn đề cấp thiết cần làm ngay.
Với đường bờ biển dài, khoảng 3.400 km và các khu vực đồng bằng ven biển rộng lớn, Việt Nam nằm trong số các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo ước tính nếu mực nước biển tăng lên 1 m khoảng 11 % dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10%. Người ta lo lắng rằng tần suất và cường độ của các thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng đi kèm biến đổi khí hậu đang tới gần là các yếu tố có ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.
Với mục tiêu hỗ trợ Chính Phủ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đối thoại chính sách, chương trình sẽ góp phần:
1). Giảm thiểu tác động cảu biến đổi khí hậu thông qua hấp thụ và kiểm soát phát thải khí nhà kính.
2). Tăng cường năng lực thích nghi để đối phó với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
3). Củng cố các giải pháp đối với những vấn đề liên ngành liên quan đến biến đổi khí hậu.
Bằng cách đó, chương trình sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam ổn định và bền vững thông qua việc giảm thảm họa và các hiểm họa khác do biến đổi khí hậu mang lại. Đồng thời, chương trình sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Giai đoạn 1 của chương trình này đã được thông qua vào tháng 6/ 2010 và giai đoạn tiếp theo cũng đã được phê duyệt sau đánh giá rất khả quan về kết quả đạt được của các hành động chính sách giai đoạn 12/2009-1/2011 đối với các vấn đề quan trọng được mô tả ở trên.
Khoản vay này sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để thúc đẩy cải cách trong ba lĩnh vực then chốt như đã đề cập ở trên. Mốc hoàn thành chương trình dự kiến vào tháng 12/2011 đồng thời với việc hoàn thành giải ngân.
Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Dự án Ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai sử dụng công nghệ vệ tinh)
Việt Nam là đất nước có địa hình hẹp và dài theo trục Bắc Nam. Việt Nam có những điều kiện về khí hậu và địa lý rất đa dạng. Do vậy, Việt Nam cũng nằm trong những nước có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão, lụt và các điều kiện khí tượng thủy văn khác. Tổn thất do thiên tai gây ra ước tính khoảng gần 1,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Bên cạnh đó, hơn 70% dân số Việt Nam sống trong vùng dễ bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt. Do vậy, việc tiến hành các biện pháp để giảm nhẹ và ngăn ngừa thiên tai để giảm thiệt hại về người và các tổn thất về kinh tế xã hội là vô cùng cấp bách.
Trong bối cảnh như vậy, việc hình thành các chính sách, các hệ thống và các biện pháp ứng phó trên cơ sở khoa học đã và đang được Việt Nam nghiên cứu rất nghiêm túc. Thực tế cho thấy việc tiếp tục thiết lập các hệ thống trạm vệ tinh quan sát là rất cần thiết để theo dõi, dự đoán và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện tại, các số liệu vệ tinh được mua từ nước ngoài được sử dụng vào việc theo dõi, dự đoán thiên tai và quản lý rừng. Mặc dù vậy, các số liệu này không phát huy được tối đa tác dụng do giới hạn về thời gian sử dụng và chi phí mua quá cao. Do vậy, để có được các thông tin và số liệu truvền từ vệ tinh chính xác và kịp thời, việc giới thiệu các thiết bị và công nghệ để thiết kế, sử dụng và vận hành vệ tinh quan sát trái đất ở Việt Nam là vô cùng cấp bách.
Mục đích của dự án là nâng cao khả năng của Việt Nam trong việc lập kế hoạch, giảm nhẹ và ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai thông qua việc cung cấp vệ tinh quan sát trái đất, các trang thiết bị để phát triển và đưa vệ tinh vào hoạt động. Dự án cũng giúp tăng cường khả năng vận hành và bảo dưỡng các trang thiết bị. Mục tiêu tổng quan của dự án là để đóng góp vào việc nâng cao các điều kiện xã hội và điều kiện sống ở Việt Nam.
Các khoản vay sẽ được phân bổ cho việc mua sắm vệ tinh quan sát trái đất và cho việc xây dựng các trang thiết bị phụ trợ, lắp đặt thiết bị, đào tạo cán bộ kỹ sư và các dịch vụ tư vấn khác.
Điều kiện đặc biệt cho hợp tác kinh tế (STEP) sẽ được áp dụng cho dự án này. Hy vọng các công nghệ Nhật Bản sẽ được sử dụng để giúp Việt Nam phát triển công nghệ vệ tinh.
Thời gian dự kiến hoàn thành dự án là tháng 3/2021./.