Chủ động ứng phó với hạn, mặn
|
Mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước thích ứng với hạn hán ở ĐBSCL. (Ảnh: Báo Long An) |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai đồng bộ, đa dạng các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như điều chỉnh thời vụ sản xuất, vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nhất là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các địa phương cũng đã hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước cho các hộ gia đình, thiết lập thêm điểm cấp nước công cộng, tổ chức cấp nước luân phiên, mở rộng tuyến ống cấp nước, bổ sung giếng, sử dụng thiết bị lọc mặn…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước, kiểm soát mặn.
Chính vì vậy, đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Tính đến ngày 6/4/2024, trà lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1.304.301 ha/1.488.182 ha xuống giống, đạt 87,6%. Các vùng cây ăn trái vẫn an toàn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thuỷ văn Hoàng Đức Cường, thời gian tới, khả năng vẫn xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024. Dự kiến từ ngày 20/4 tại Nam Bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa, tuy nhiên, mùa mưa mới chính thức bắt đầu từ ngày 20/5.
Trước những tác động do hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực Cà Mau, ngay từ đầu năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất phải tính đến phương án chuyển nước cho vùng này. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau không có nguồn nước bổ sung, chỉ có thể tích nước tại chỗ nên đang gặp nhiều khó khăn. Điều này khác với các tỉnh còn lại trong khu vực. Qua khảo sát thực tế, huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau đang bị sụt lún nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do người dân tích nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Cà Mau không có mưa, cộng với nắng nóng gay gắt nên nước bốc hơi nhiều khiến hạn hán đến nhanh, cơ bản đồng ruộng không có nước đã gây ra tình trạng sụt lún.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 3 giải pháp: Cần hạn chế lưu thông, nhất là đối với những xe có tải trọng lớn ở các tuyến kênh, mương, tuyến đường kết hợp kênh mương; tính toán tích trữ nước không tập trung để bơm nước bổ sung từ các vùng sản xuất lân cận; tỉnh Cà Mau cần tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa + 1 vụ tôm, như vậy đến mùa hạn mặn có thể cho nước mặn vào nuôi tôm. Nếu chuyển đổi được thì vừa ổn định sản xuất vừa hạn chế tình trạng sụt lún.
Cùng với đó, phải nghiên cứu các giải pháp, tính đến phương án chuyển nước về cho Cà Mau, trong đó có 2 giải pháp chính là làm cống âu thuyền Tắc Thủ ngăn nước mặn chảy từ biển vào, nếu cống này làm xong thì khu vực Trần Văn Thời sẽ có giải pháp tích nước không tập trung.
Đồng thời, chuyển nước từ hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé qua sông Chắc Băng về cho Cà Mau và chuyển từ sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ Phụng Hiệp cho tỉnh này. Hiện, cống âu thuyền Tắc Thủ đang được thi công, sau đó sẽ tính đến phương án chuyển nước cho Cà Mau.
Tại tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang có các giải pháp công trình để người dân có đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt. Cụ thể, Bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (JICA3), sẽ triển khai vào cuối năm 2024, dự kiến hết năm 2025 sẽ xong. Khi hoàn thành dự án JICA3, trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ có các cống lớn, góp phần tích nước, vận hành cho sản xuất, sinh hoạt, giải quyết nước ngọt cho Bắc Bến Tre.
Với vùng Nam Bến Tre sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn làm cống Vàm Thơm, Nước Trong, giúp khu vực này đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt nên không cần chuyển nước.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm đến việc tránh hạn mặn. Chính vì vậy, các địa phương ở khu vực có nguy cơ đã triển khai gieo cấy sớm để né hạn mặn đầu vụ; các diện tích này được thu hoạch trước xâm nhập mặn cao điểm; đồng thời đảm bảo tuyệt đối cho cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có giá trị cao. Các địa phương đã tổ chức tích nước không tập trung, đào các ao hồ; đồng thời đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Những khu vực được xác định khó khăn về nguồn nước đã triển khai nhiều giải pháp như kéo dài đường ống, tích nước, làm hồ nước nhỏ…
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành "Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024" để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn quả. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.
Cùng với các giải pháp ứng phó trong sản xuất, các địa phương vận hành các công trình thủy lợi đã có cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình đang xây dựng để có thể phát huy hiệu quả sớm nhất. Các hệ thống công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40 - 65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha.
Cụ thể, ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75 - 80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ.
Ở cửa các sông Cửu Long, trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40 - 65km; trên sông Hậu, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35 - 55km.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đang kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn - Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây khá tốt.
Dự kiến tháng 7/2024, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành cũng sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch, đưa vào vận hành và khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ cho gần 100.000 ha sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ này đang tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện các quy hoạch thủy lợi đã ban hành, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tiếp tục nghiên cứu xây dựng một số cống âu lớn để ngăn vòng ngoài, kết hợp với nghiên cứu quy hoạch để có các vùng sản xuất tập trung lớn, bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không để người dân thiếu nước ngọt
|
Công an tỉnh Tiền Giang cấp nước ngọt miễn phí cho người dân. (Ảnh: Báo Ấp Bắc) |
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, trong đó nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau cần nước cấp bách, chính vì vậy Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã yêu cầu ngành chức năng tỉnh nhanh chóng rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm giúp người dân địa phương có đủ nước dùng trong sinh hoạt, không để người dân mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ.
Theo đó, ngành nông nghiệp Cà Mau đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh gấp rút cho triển khai việc cấp nước cho nhóm đối tượng dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán. Giải pháp là cấp phát một bồn nhựa loại 1m3 để trữ nước cho đối tượng đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ trữ nước, cần sự hỗ trợ. Cùng với đó là thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng tại các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); Xã Việt Thắng, Việt Khái (huyện Phú Tân); xã Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn); xã Trần Thới (huyện Cái Nước).
Đối với nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, nhanh chóng mở rộng mạng đường ống cấp nước tại 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài tuyến ống khoảng 83,5 km để cung cấp nước cho người dân. Trước mắt sẽ huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và người dân địa phương tham gia lắp đường ống nổi trên mặt đất và vòi nước công cộng, để cho người dân thuận tiện lấy nước sử dụng. Về lâu dài, khi được bố trí nguồn vốn phù hợp, ngành nông nghiệp Cà Mau sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa, đấu nối hòa mạng và xây dựng mới... để khắc phục tình hình thiếu nước tại các công trình.
Ngay trong ngày 8/4, nhiều tàu chuyên dụng của lực lượng Lữ đoàn Vận tải 659, thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 đã vận chuyển nước sạch từ thành phố Cần Thơ về tận Cà Mau để cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng ảnh hưởng bởi hạn hán. Theo đó, ba tàu tải trọng lớn của Lữ đoàn Vận tải 659, thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 vừa tiếp cận và cung cấp khoảng 1.700m3 nước ngọt miễn phí cho người dân trên địa bàn xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đơn vị chuyên trách của Quân khu 9 còn tặng hàng trăm bồn chứa nước, các thùng, can đựng nước cho những hộ thuộc diện nghèo, khó khăn để người dân có thêm dụng cụ trữ nước dùng trong sinh hoạt.
Tại tỉnh Bến Tre, nhằm giúp đỡ người dân giảm bớt khó khăn, địa phương này đã giảm giá nước sạch sinh hoạt để chia sẻ khó khăn với nhân dân trong mùa hạn mặn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã ký ban hành Công văn về chủ trương giảm giá nước sạch sinh hoạt trong mùa hạn mặn của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre.
Cụ thể, UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt chủ trương giảm 10% giá tiêu thụ nước sạch của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 9/5/2017 của UBND tỉnh Bến Tre cho tất cả các mục đích sử dụng nước (sinh hoạt các hộ dân cư; phục vụ công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp; hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động kinh doanh dịch vụ). Giá giảm trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chưa có phí bảo vệ môi trường. Thời gian thực hiện: 2 kỳ hóa đơn tiền nước, kỳ 4/2024 và kỳ 5/2024 (giảm giá cho m3 nước sử dụng trong tháng 3/2024 và tháng 4/2024).
Hiện tại, nguồn nước trên sông Hậu chảy vào tỉnh Hậu Giang đang thiếu hụt. Dự báo nhu cầu sử dụng nước tại các địa phương là khá cao, do nắng nóng kéo dài, việc đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho đến khi trời có mưa và phải đủ nước tưới tiêu phục vụ nuôi trồng sản xuất đang là nỗi lo lớn cho người dân nơi đây.
Theo Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 26 công trình cấp nước đang hoạt động thuộc công ty quản lý, nằm tại các địa bàn huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, cung cấp nước cho 86.539 khách hàng sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Lòng, Chủ tịch hội đồng quản trị, nhận định: “Đối với khu vực thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, hiện có 2 công trình cấp nước đang hoạt động thuộc quản lý của công ty là nhà máy nước Long Mỹ, cung cấp nước cho 3.843 khách hàng và trạm cấp nước tập trung (CNTT) xã Hỏa Tiến, hiện cung cấp nước cho 2.266 khách hàng. Đây là các vùng được dự báo có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn và xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt rất cao. Để đảm bảo cung cấp nước cho các khách hàng, công ty đã chỉ đạo vận hành lại các giếng dự phòng tại 2 trạm này khi cần thiết. Tính đến thời điểm hiện tại tình hình cấp nước tại 2 khu vực này do công ty quản lý đang ổn định.
Ông Nguyễn Văn Lòng cho biết thêm, Công ty thường xuyên cập nhật và theo dõi tình hình xâm nhập mặn thông qua các phương tiện truyền thông. Đồng thời, Công ty cũng trang bị máy đo độ mặn cho các trạm cấp nước, giúp theo dõi thường xuyên diễn biến của tình hình xâm nhập mặn. Điều này giúp kịp thời chỉ đạo các trạm cấp nước tập trung vận hành và khai thác nguồn nước một cách hiệu quả và phù hợp. Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp với các cơ quan địa phương để phát triển tuyến ống cấp nước theo kế hoạch sử dụng vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia./.