Người tiêu dùng thủ đô Hà Nội và một số địa phương đã khá quen thuộc
với sản phẩm Gà36,,Gà đồi Yên Thế” của nông dân huyện Yên Thế (Bắc Giang).
Hướng đi nào cho nông sản
Hàng loạt các vụ việc nông sản “được mùa mất giá” và tình trạng người nông dân bị ép giá trong thời gian vừa qua tại nhiều địa phương trên cả nước đang là bằng chứng để gióng lên hồi chuông về sự “bế tắc” của ngành nông nghiệp. Chỉ mới đây, dưa hấu, thanh long, hành tím rớt giá thảm hại, chất đống ngoài ruộng ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung; bà con huyện đảo Lý Sơn vừa trải qua vụ tỏi thất bát thì lại đến vụ hành cũng có nguy cơ mất trắng; hàng loạt nhà vườn ở Long An chặt bỏ thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ khi thấy sản phẩm này được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và trả giá cao…
Có thể thấy rằng, chính từ việc chuyển đổi cây trồng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ của bà con nông dân, dẫn đến sau mỗi đợt nông sản bị rớt giá mạnh, nhà nông không biết trông chờ vào đâu, ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước và sự ủng hộ của đồng bào cả nước. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Đã có nhiều ý kiến chuyên gia thẳng thắn cho rằng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, các vùng nguyên liệu, giống cây chưa tìm được đầu ra, chủ trương, chính sách chưa đúng; thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản "được mùa, mất giá".
Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 80/2002/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản để hỗ trợ cho nông dân. Nhưng nhiều năm qua, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Lý giải về tình trạng nguồn cung trong nông nghiệp bị dư thừa, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều yếu kém. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho xuất khẩu, nhưng trong khâu triển khai lại bị vướng mắc nhiều vấn đề như: chất lượng sản phẩm, trợ giá vận chuyển, sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều sản phẩm ở các nước trong khu vực… Điều này khiến nhiều doanh nghiệp còn “e dè” trong lĩnh việc đầu tư xuất khẩu nông sản.
Để tạo đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh yếu tố về khoa học kỹ thuật, về cơ cấu cây trồng… điều quan trọng là sự cần định hướng đúng, dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, không để người dân phá vỡ quy hoạch và đặc biệt đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người chăn nuôi, trồng trọt…, chắc chắn tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản sẽ được cải thiện đáng kể.
Thương hiệu Gà36 gắn liền giữa sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung ổn định
và chất lượng cho các nhà hàng Gà 36.
Cần sự liên kết thực chất
Giữa lúc quy trình “khép kín” với người nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn khá ít ỏi tại Việt Nam, ông Trần Văn Toán – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Anh Em Đầu Tư, đơn vị sở hữu Thương hiệu Gà36 đã lặng lẽ áp dụng mô hình này để khởi nghiệp, đầu tư từ giống gà đến bao tiêu toàn bộ đầu ra cho các sản phẩm… Khi được hỏi về trăn trở khó khăn hiện nay với nguồn đầu ra cho nông sản, ông Toán chia sẻ: “Thương hiệu Gà36 hiện không thu mua nguồn hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào ở bên ngoài. Chúng tôi hiện có 5 trang trại chính ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là những nông trại được đầu tư lâu nhất đạt chuẩn Thương hiệu Gà36, quy mô hơn một vạn con mỗi trại, chưa kể hệ thống các nông trại vệ tinh. Đây là nguồn cung cấp gà thường xuyên cho chuỗi các nhà hàng Gà36, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng. Các nông trại hoạt động theo đúng chu trình chăn nuôi do đơn vị nghiên cứu và áp dụng, nhằm đảm bảo một chu trình khép kín từ khi con gà giống nguyên liệu đầu vào cho tới lúc lên mâm phục vụ thực khách”.
Không chỉ vậy, các nông trại gà còn tạo công ăn việc làm và giải quyết kinh tế cũng như tận dụng đất nhàn rỗi cho người dân tại địa phương. Gần 10 năm xây dựng và phát triển, Thương hiệu Gà36 luôn gắn liền với phát triển kinh tế nông hộ, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 công nhân viên đến từ nhiều vùng quê nghèo, còn nhiều khó khăn, được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi theo quy định.
Một ví dụ khác là tại Bắc Ninh, một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất miền Bắc. Theo thống kê đến hết tháng 6/2016, Bắc Ninh có 455 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 190 nghìn lao động. Ước tính mỗi năm, các khu công nghiệp ở Bắc Ninh tiêu thụ khoảng gần 8.900 tấn lương thực, 5.100 tấn thịt các loại, 1.850 tấn thủy sản, hơn 8.400 tấn rau xanh, gần chục triệu quả trứng gia cầm… Xác định đây là thị trường tại chỗ rộng lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương, Bắc Ninh đã tăng cường kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và các khu công nghiệp. Tính đến đầu năm 2016, có khoảng 35 - 40% thực phẩm tiêu thụ trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh là do thị trường nội tỉnh cung cấp. Mục tiêu của Bắc Ninh là sẽ tăng tỷ lệ này lên khoảng 80% vào năm 2020.
Trong một số năm trở lại đây, người tiêu dùng thủ đô Hà Nội và một số địa phương đã khá quen thuộc với sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” của nông dân huyện Yên Thế (Bắc Giang). Năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền. Từ đó đến nay, với sự nỗ lực của người chăn nuôi và sự quan tâm của các cấp chính quyền, thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vừa giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân vừa góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tận gốc gà nhập lậu. Đóng góp vào những tín hiệu tích cực đó, phải kể đến sự phối hợp thường xuyên giữa chính quyền địa phương với người chăn nuôi, doanh nghiệp và các nhà khoa học trong việc nâng cao chất lượng đàn Gà đồi Yên Thế, cũng như bảo đảm tính ổn định của thị trường tiêu thụ. Hiện nay, nông dân Yên Thế thường xuyên duy trì đàn gia cầm trên 3,2 triệu con, trong đó đàn gà là 3,1 triệu con. Bình quân hàng năm, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện xuất bán từ 13 - 15 triệu con gà thương phẩm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 1.150 - 1300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa qua, huyện Yên Thế đã xuất bán khoảng 1,5 triệu con gà, tương đương 3,7 tấn thịt gà thành phẩm. “Cái bắt tay” giữa người chăn nuôi với các bên liên quan đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Yên Thế.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để hướng đến một nền nông nghiệp “sạch” với những sản phẩm nông sản thực sự bảo đảm, chúng ta cần nhân rộng hơn nữa những mô hình doanh nghiệp “cung – cầu” khép kín như Gà36; liên kết các bên trong phát triển thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” hay cách làm “kết nối” giữa doanh nghiệp đầu mối, người sản xuất và các khu công nghiệp… Đây có thể chính là “lời giải” của bài toán tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản./.