Cần nỗ lực cân đối cơ cấu thu chi ngân sách

Thứ ba, 22/10/2019 16:34
(ĐCSVN) - Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong 5 năm (2016-2020) có nhiều chuyển dịch tích cực. Tổng thu 5 năm 2016-2020 ước đạt 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch là 23,5% GDP; trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP.

Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực

Bộ Tài chính đánh giá, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%, giai đoạn 2016-2018 là 80,5%, lên mức 82% năm 2019 và 83,6% dự toán năm 2020 (thực hiện phấn đấu đạt 84%); trong khi thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30%, giai đoạn 2016-2018 là 19%, xuống còn 17,7% vào năm 2019 và 16,1% dự toán vào năm 2020.

Ở chiều ngược lại, cơ cấu chi cũng được Bộ Tài chính đánh giá có chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần (dự toán năm 2018 là 26,2%, năm 2019 là 26,3%, năm 2020 là 26,9%), thực hiện giai đoạn 2016-2020 ước đạt 27-28%, vượt mục tiêu kế hoạch là 25-26%. Tổng chi đầu tư phát triển của NSNN ước thực hiện đạt 2,15 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần: dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%, năm 2020 dự kiến là 60,5%, vượt mục tiêu kế hoạch là dưới 64%; bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác,...

Trong khi đó, bố trí dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên cơ sở quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Đáng chú ý, tỷ lệ dự toán bội chi NSNN giảm dần, năm 2020 dự kiến còn 3,44% GDP; ước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6-3,7% GDP, theo đúng Nghị quyết số 25 của Quốc hội: bình quân dưới 3,9% GDP, đến năm 2020 dưới 3,5% GDP.

Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được cải thiện so với năm 2016. Đến cuối năm 2020 dự kiến nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP (chỉ tiêu năm 2016 tương ứng là 63,7% GDP và 52,7% GDP, sát ngưỡng giới hạn là 65% và 54%); riêng chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ mức 44,8% GDP năm 2016 lên 45,5% GDP năm 2020 (giới hạn là 50% GDP), chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của doanh nghiệp tăng.

Vẫn còn một số tồn tại, khó khăn

Bên cạnh những chuyển dịch tích cực, Bộ Tài chính thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại khó khăn, trong thu chi ngân sách. Cụ thể, tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm, trong đó, năm 2020 dự kiến là 19,4%GDP (kế hoạch giai đoạn 2016-2020 khoảng 21%GDP), chủ yếu do đóng góp từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm nhanh, trong khi triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao.

Cùng với đó, việc chậm triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm cũng khiến việc thực hiện mục tiêu thu nội địa bình quân cả giai đoạn khoảng 84-85% gặp nhiều khó khăn. 

Trong khi việc giao dự toán thu của 3 khu vực kinh tế thường cao hơn khả năng thực hiện, đồng thời trong những năm qua, đóng góp thu của một số doanh nghiệp lớn như thuốc lá, rượu bia, thép,... tăng trưởng chậm, nên điều hành gặp khó.

Điều hành thu ngân sách trung ương có bước chuyển biến tích cực, vượt dự toán trong một số năm gần đây, nhưng tỷ trọng thu cả giai đoạn chỉ chiếm khoảng 55-56%, chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, chủ yếu do tỷ trọng thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là những khoản thu cân đối 100% ngân sách trung ương sụt giảm nhanh.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng thất thu, trốn thuế; quản lý thu từ tiền đất, tài sản công còn bất cập.

Trong khi đó, cơ cấu lại chi đầu tư công chưa thực sự hiệu quả, phân bổ còn dàn trải, triển khai kế hoạch đầu tư công hằng năm chậm.

Chi đầu tư phát triển của NSNN ước vượt kế hoạch 2 triệu tỷ đồng, nhưng số vượt là của ngân sách địa phương (tăng 300 nghìn tỷ đồng), chi đầu tư phát triển của NSTW còn nhiều khó khăn. Lũy kế dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương  5 năm đạt 967 nghìn tỷ đồng, sau khi dự kiến bổ sung thêm từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2018-2020 khoảng 33 nghìn tỷ đồng thì dự kiến còn thiếu khoảng 120 nghìn tỷ đồng, cơ bản bằng 10% dự phòng đầu tư công trung hạn.

Đáng chú ý, việc rà soát chính sách chi thường xuyên chưa hiệu quả, nhiều chế độ, chính sách còn trùng lặp; chi tiêu ở nhiều cơ quan, đơn vị còn lãng phí, thất thoát. Cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do chậm đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu kế hoạch.

Về cơ bản, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn thừa nhận, tỷ lệ nợ công so với GDP tuy đã có xu hướng giảm, nhưng còn nhiều rủi ro. Trường hợp giải ngân vốn vay theo đúng kế hoạch, thì nợ công có thể tăng thêm khoảng 1,7-1,8% GDP. Bên cạnh đó, việc xử lý tài chính một số doanh nghiệp nhà nước, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin...) sẽ tác động không nhỏ đến ngân sách, nợ công.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, từ dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, với tinh thần phấn đấu tích cực, khả thi, Chính phủ trình dự toán NSNN năm 2020 như sau: Dự toán thu NSNN: 1.512,3 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN là 22,2% GDP, từ thuế, phí là 19,4% GDP; trong đó dự toán chi NSNN: 1.747,1 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2020 là 3,44% GDP, tương ứng 234,8 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực