Chàng trai khuyết tật vươn lên thoát nghèo trên vùng đất khó

Thứ ba, 18/07/2023 10:57
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhờ chăm chỉ và nghị lực và lòng quyết tâm, anh Chẩu Văn Thắng, dân tộc Tày, một người khuyết tật bẩm sinh tại thôn Bản Xám, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã nỗ lực thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp, trở thành tấm gương vượt khó vươn lên tự chủ về kinh tế.
Anh Chẩu Văn Thắng chăm sóc đàn dê của gia đình. 

Ngọc Minh là xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên có điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. Đây cũng là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Na Chí….Nhưng trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này đã xuất hiện các tấm gương vươn lên thoát nghèo của đồng bào. Nổi bật trong những tấm gương ấy là anh Chẩu Văn Thắng, dân tộc Tày, thôn Bản Xám, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), một người khuyết tật từ nhỏ đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Từ khi sinh ra, anh Thắng đã bị khuyết tật bẩm sinh. Trong cuộc sống và sinh hoạt, anh Thắng đều gặp nhiều khó khăn. Khi đến tuổi trưởng thành, do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống của anh Thắng đều phải tự lập. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt nhưng anh Thắng luôn suy nghĩ để vượt lên cảnh đói nghèo.

Để thoát được cảnh đói nghèo thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế và cần phải có nguồn vốn ban đầu. Đầu năm 2018, anh Thắng đã làm đơn vay ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Xuyên 100 triệu đồng để làm vốn phát triển kinh tế. Do anh Thắng là người khuyết tật lại thuộc diện hộ nghèo, để được vay số tiền trên, Hội Nông dân xã Ngọc Minh đã phải đứng ra bảo lãnh để anh được vay vốn.

Từ số tiền vay được, anh Thắng dùng 15 triệu đồng đầu tư làm chuồng trại, mua 3 lợn nái sinh sản, 15 con dê giống và 80 con gà ri thả vườn hết 70 triệu đồng, số tiền còn lại anh dùng  đầu tư thức ăn cho đàn vật nuôi. Do chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua các tài liệu kỹ thuật và qua các mô hình phát triển chăn nuôi thành công của người dân trên địa bàn, đến cuối năm 2018, từ tiền bán gà và dê, anh Thắng đã thu được trên 130 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, anh Thắng tiếp tục dùng tiền thu được để mở rộng qui mô chăn nuôi và thuê đào gần 800 m2 ao để nuôi cá. Đến năm 2019 đàn lợn nái bắt đầu sinh sản, anh Thắng để lại một phần để nuôi thành lợn thương phẩm, số còn lại anh bán giống để lấy tiền phục vụ chăn nuôi.

Anh Thắng cho biết, do mình bị khuyết tật bẩm sinh nên những công việc nặng như dọn vệ sinh chuồng trại, chăm sóc gà thả vườn và đàn dê….đều phải nhờ đến anh em trong gia đình trợ giúp. Có những công việc phải bỏ tiền ra thuê như thu hoạch cá, phun khử trùng chuồng trại, công việc đi mua giống các loại vật nuôi…nhưng tất cả các công việc này anh đều phải giám sát chặt chẽ về chất lượng thì mới an tâm.

Nhờ chăm chỉ và nghị lực quyết tâm, đến cuối năm 2019, anh Thắng đã có nguồn thu gần 250 triệu đồng từ tiền bán lợn thịt, dê, gà và cá; sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 180 triệu đồng; trong khi đó, trong chuồng của anh Thắng vẫn còn nguồn giống lợn, dê và gà thả đồi. Số tiền thu được từ chăn nuôi, anh Thắng đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi.

Theo anh Thắng, muốn phát triển chăn nuôi thành công thì phải có nghị lực và lòng quyết tâm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải không ngừng học hỏi các kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm qua các tài liệu kỹ thuật và qua kinh nghiệm chăn nuôi thành công của những người đi trước; phải đảm bảo cho chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và được giữ ấm vào mùa đông.

Khi được hỏi về thu nhập, anh Thắng cho biết: Từ năm 2020 đến nay, tổng tiền thu được từ bán các loại gia súc, gia cầm và bán cá đạt bình quân từ 250 – 300 triệu đồng mỗi năm. Sau khi trừ các loại chi phí như tiền giống, thức ăn, thuốc tiêm phòng, công thuê lao động… trong một năm còn lãi từ 180 – 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Vị Xuyên cho biết: Hội viên Chẩu Văn Thắng là một tấm gương điển hình của người khuyết tật trên địa bàn huyện về tấm gương vượt khó vươn lên tự chủ về kinh tế từ phát triển chăn nuôi tống hợp. Trong những năm qua, chúng tôi đã lấy tấm gương phát triển kinh tế của anh Thắng để tuyên truyền cho các hội viên trong huyện học tập và làm theo. Ngoài việc phát triển kinh tế, anh Thắng còn là Trưởng Ban vận động người khuyết tật của xã Ngọc Minh tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế và chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ những thành tích đạt được, anh Chẩu Văn Thắng đã được Hội Người khuyết tật huyện Vị Xuyên biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2020 đến nay./.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực