Chi Lăng: Xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 21/06/2016 21:12
(ĐCSVN) – Phát huy những kết quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn, những tháng đầu năm 2016, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.


Thăm mô hình chuyển dịch trồng ớt hiệu quả tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. (Ảnh: HNV)

Theo chị Hà Thị Thủy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Chi Lăng, việc phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cũng như củng cố và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác thương mại và dịch vụ, phát triển kinh tế trang trại để tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, thu mua nông sản cho nông dân luôn được cấp ủy và chính quyền huyện quan tâm.

Hiện nay, sản xuất nông, lâm nghiệp mặc dù phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, khí hậu nhưng do chuyển dịch đẩy mạnh cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng tién bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất nên đã có bước phát triển khá. Nhìn chung, nông, lâm nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của huyện Chi Lăng, từ đây, có thể khai thác và phát huy tối đa nội lực của huyện.

Chung sức, chung lòng xây dựng NTM

Thực tế, trong quá trình triển khai, xây dựng NTM dần trở thành cuộc vận động lớn trong toàn huyện. Nhiều xã có những sáng kiến, cách làm mới. Chẳng hạn như xã Chi Lăng lựa chọn thôn điểm để triển khai thực hiện.

Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện Chi Lăng ước tính trên 557 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn trực tiếp, vốn lồng ghép các chương trình từ ngân sách chỉ khoảng 216,4 tỷ đồng. Nhân dân đã đóng góp nguồn lực to lớn lên đến 117 tỷ đồng, chiếm 21% tổng nguồn lực. Còn lại là các nguồn vốn tín dụng, xã hội hóa từ doanh nghiệp, con em xa quê đóng góp.

Cuối năm 2014, xã Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điểm nhấn này càng củng cố thêm quyết tâm, tích lũy thêm bài học kinh nghiệm cho nhiều xã khác. Hiện nay, Chi Lăng có 3 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 13 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 2 xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 7,37 tiêu chí, cao hơn so với trung bình của toàn tỉnh (6,04 tiêu chí).

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Chi Lăng Hà Thị Thủy cho biết, thời điểm này, huyện Chi Lăng đã có hai xã NTM, trở thành một trong số ít các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có hai xã NTM.

Phát huy thế mạnh từ cây trồng chủ lực là na, chuyển dịch thêm các cây trồng hiệu quả khác

Ông Lành Văn Lôi (bên phải ảnh) cùng cán bộ Ban điều phối NTM của tỉnh Lạng Sơn trao đổi về mô hình chuyển đổi
 trên vườn bưởi, cam của gia đình tại xã Chi Lăng, huỵên Chi Lăng. (Ảnh: HNV).

Chi Lăng có vị trí địa lý lợi thế hơn hẳn so với các huyện khác trong tỉnh, nằm trong khoảng giữa thành phố Lạng Sơn với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội, vừa có quốc lộ 1A đường sắt liên vận quốc tế đi qua..., tạo điều kiện cho huyện có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển sản xuất, mở rộng giao lưu trao đổi hàng hoá, dịch vụ khoa học công nghệ... với các tỉnh lân cận, các tỉnh khác trong cả nước và với Trung Quốc.

Là một huyện miền núi, Chi Lăng lại được thiên nhiên ưu ái với khí hậu thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho cây na sinh trưởng và phát triển. Đáng chú ý, cây trồng thế mạnh và chính, được coi là cây hàng hóa mũi nhọn của huyện Chi Lăng, cây xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây là cây na. Cây na cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quyết định và trao nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2011. Theo đó, cây na được trồng chủ yếu ở 5 xã và thị trấn gồm : Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao, trên các dãy núi đá Cai Kinh lởm chởm, dựng đứng tạo nên địa thế hiểm trở của cửa ải Chi Lăng huyền thoại, gồm các dãy núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên…

Vài năm gần đây, trong quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện, một số vùng, bà con nông dân đã chủ động chuyển dịch bổ sung thử nghiệm một số cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó, phải kể đến mô hình trồng ớt xen canh trên đất lúa tại xã Quang Lang.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nông Thu Tuyền, mô hình này được triển khai từ năm 2015. UBND xã giao cho Hội Phụ nữ xã khoảng 30 triệu đồng, sau đó, các chi hội triển khai tập huấn, giúp hội viên nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt. Hiện, trên địa bàn xã có 3 chi hội triển khai mô hình trồng ớt xen kẽ đất lúa với diện tích 75 sào, chia đều cho 26 hộ. Cách thức triển khai, Hội Phụ nữ cho vay tiền giống, phân bổ cho mỗi chi hội 10 triệu, hỗ trợ tối đa 10 hộ, mỗi hộ 1 triệu. Thu nhập từ trồng ớt khá cao nền càng thúc đẩy bà con nông dân trong vùng chuyển đổi từ hai vụ lúa, chuyển sang 1 vụ lúa, 1 vụ ớt.

Chị Tuyền cho biết thêm, vụ Đông Xuân bà con chuyển sang trồng ớt lại có tác dụng cải tạo làm chất đất tốt hơn, phục vụ cho vụ lúa mùa hiệu quả cao.

Bà Hiền - một hộ nông dân của xã Quang Lang đã trao đổi với chúng tôi rằng, 1 sào ớt chỉ cần 2 túi giống ớt, 1 gói giống 100.000 - 120.000 đồng, phân bón nông dân tự mua,  bón 2 – 3 đợt, mua phân bón trả tiền ngay, phân bón trả chậm có phân NPK… Tính chung ra chi phí bỏ ra không nhiều, chỉ mất công chăm sóc tỉ mẩn hơn (công tưới, phun sâu, gấp đôi gấp ba lúa) mà thu nhập lại cao hơn nên hầu hết bà con làng nước đều hồ hởi cùng nhau làm. Hơn nữa, ngay tại xã cũng có đại lý thu mua luôn nên bà con không phải lo lắng nhiều về đầu ra. Điều này càng tạo thuận lợi trong chuyển đổi.

Sang đến địa bàn xã Chi Lăng, nhiều hộ dân lại chuyển một số diện tích trồng na sang trồng cam Vinh, bưởi Diễn, cam canh… Như hộ dân Lành Văn Lôi, người dân tộc Nùng chia sẻ, trước gia đình anh cũng có khoảng 800 gốc na, tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhiều gốc na đã trở nên già cỗi, thoái hóa. Vì thế, gia đình đã quyết định chuyển đổi sang cam Vinh, cam Canh và bưởi Diễn với hy vọng sẽ cho thu nhập hiệu quả hơn. Hiện, gia đình anh Lành Văn Lôi có 1.000 gốc cam, bưởi. Gia đình anh đã triển khai chuyển đổi cây trồng này và nhận được sự một số hỗ trợ cần thiết của xã và năm nay đang hứa hẹn sẽ có một vụ thu hoạch hiệu quả.

Có thể thấy, qua gặp gỡ nông dân, tìm hiểu một số mô hình chuyển đổi cây trồng trong thực tiễn trên địa bàn huyện Chi Lăng, chúng tôi tin và hy vọng rằng, bà con nông dân nơi đây sẽ ngày càng có thu nhập cao và ổn định hơn. Cấp ủy, chính quyền cũng đồng hành gắn bó, gần gũi hỗ trợ bà con để cùng nhau xây dựng NTM giàu đẹp./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực