Chính sách hỗ trợ thuế tiếp sức cho doanh nghiệp Hải Phòng tái thiết sau bão

Thứ bảy, 05/10/2024 09:48
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cơn bão số 3 đã đi qua nhưng hậu quả mà nó để lại cho các tỉnh miền Bắc rất nặng nề, trong đó có thành phố Hải Phòng. Trong bối cảnh này, việc triển khai các chính sách miễn, giảm thuế là một trong số các giải pháp kịp thời, thiết thực giúp doanh nghiệp sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế địa phương.

Hậu quả nặng nề của bão số 3 còn hiện hữu

Đã vài tuần sau khi cơn bão số 3 đi qua, những hậu quả tàn khốc của nó vẫn còn hiện diện trên từng khu phố, từng con đường tại Hải Phòng. Dấu vết tan hoang còn vương từng khoảng trống, từng chiếc biển quảng cáo hư hỏng, từng ngôi nhà chưa kịp sửa sang do tốc mái, và cả những khu nhà xưởng bị sập đổ vẫn ngổn ngang đây đó.

Theo ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại kinh tế của Hải Phòng do bão số 3 lên tới gần 12,3 nghìn tỷ đồng, con số này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố hoa phượng đỏ - một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng, buộc phải tạm ngừng hoạt động do cơ sở vật chất bị hư hại nghiêm trọng và nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn. Điều này không chỉ gây ra tình trạng đình trệ trong sản xuất mà còn làm giảm mạnh nguồn thu ngân sách địa phương, khiến cho các dự án phát triển hạ tầng tại Hải Phòng cũng bị đình trệ.

Hơn 6000 m2 nhà xưởng (chiếm 2/3 diện tích) của công ty TNHH Dũng Hường bị tốc mái và đổ sập (Ảnh: M.P)

Công ty TNHH Dũng Hường tại huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) có gần 300 lao động và chuyên sản xuất giày da xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Hàn Quốc. Cơn bão số 3 đã gây tổn thất lớn cho Công ty TNHH Dũng Hường, hơn 6000 m2 nhà xưởng (chiếm 2/3 diện tích) bị tốc mái và đổ sập, cùng với nhiều loại máy móc, nguyên vật liệu bị ngập trong nước, ước tính tổng giá trị thiệt hại lên tới hơn 50 tỷ đồng. Không giấu nổi sự xót xa khi nhìn công sức bao năm trôi theo hai nhà xưởng tan hoang do bão, ông Đào Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Hường cho biết, chúng tôi gần như mất trắng mọi tài sản tích lũy cả đời chỉ sau một cơn bão…

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại khu du lịch Hòn Dấu Resort, thuộc quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng), ông Hoàng Văn Thiềng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hòn Dấu chia sẻ, thiệt hại mà chúng tôi phải gánh chịu khoảng 40 tỷ đồng, bao gồm việc hư hỏng máy tạo sóng trị giá hàng chục tỷ đồng và hơn 300 mét kè biển bị sụt vỡ. Để khắc phục những thiệt hại này, chúng tôi sẽ cần ít nhất vài tháng.

Ngoài những tổn thất cụ thể từ cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp còn đối diện với nguy cơ kéo dài thời gian phục hồi do thiếu thốn nguồn lực tài chính. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn gây tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động và nguồn thu ngân sách địa phương.

Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế

Trước những thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão số 3, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trưởng khắc phụ hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng ổn định tinh thần nhân dân. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính và các cơ quan thuế triển khai các biện pháp miễn, giảm và gia hạn thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

 Đây là một trong những chính sách tài khóa quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất, đồng thời ổn định lại tình hình kinh tế địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế trong đó có Hải Phòng khẩn trương triển khai các hướng dẫn chi tiết về chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Các loại thuế được áp dụng miễn giảm bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Cục Thuế Hải Phòng cũng đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng để cung cấp tài liệu hướng dẫn cho người nộp thuế thông qua nhiều kênh khác nhau, như trang thông tin điện tử, email và các ứng dụng như Zalo, mạng xã hội…

Ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân nhanh chóng tiếp cận chính sách miễn giảm thuế. Các tài liệu hướng dẫn đã được đăng tải công khai, đồng thời chúng tôi cũng chủ động gửi thông tin tới từng người nộp thuế và tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ cụ thể".

Những hỗ trợ này đã mang lại động lực lớn cho các doanh nghiệp. Ông Đào Văn Dũng cảm động chia sẻ: "Sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan thuế đã giúp chúng tôi có thêm niềm tin để tiếp tục khắc phục hậu quả. Dự kiến, với các chính sách miễn giảm thuế, doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ được khoảng 7-8 tỷ đồng mỗi năm, giúp công ty nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất…"

Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện hồ sơ để được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng họ gặp khó khăn trong việc xác định giá trị thiệt hại và phải chờ đợi sự xác nhận từ các cơ quan có thẩm quyền. Thí dụ, các doanh nghiệp cần có đầy đủ tài liệu xác nhận thiệt hại từ UBND xã, phường, công an và cơ quan giám định độc lập.

Ông Hoàng Văn Thiềng cho biết: "Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dưới sự hỗ trợ của cơ quan thuế, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do quy định yêu cầu các loại tài liệu rất cụ thể".

Còn theo chia sẻ của ông Vũ Huy Khuê, quy định về hồ sơ miễn, giảm thuế đòi hỏi người nộp thuế phải cung cấp các chứng từ liên quan đến giá trị thiệt hại, bao gồm tài liệu từ cơ quan tài chính hoặc cơ quan giám định độc lập. Tuy nhiên, ông khẳng định, Cục Thuế Hải Phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại.

Bảo đảm mọi thủ tục được xử lý nhanh chóng và chính xác

Mặc dù các chính sách miễn, giảm thuế đã được triển khai rộng rãi, nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thể hoàn tất hồ sơ để được hưởng hỗ trợ. Như chia sẻ của ông Vũ Huy Khuê, hầu hết các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khôi phục sản xuất và chờ đợi kết quả giám định thiệt hại, vì vậy chưa thể nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng họ trong suốt quá trình này, bảo đảm mọi thủ tục được xử lý nhanh chóng và chính xác.

Các cán bộ ngành Thuế tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận đến các chính sách hỗ trợ thuế  sau bão để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh (Ảnh: M.P)

Cục Thuế Hải Phòng cũng sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp, từ việc xác định giá trị thiệt hại đến khôi phục các hồ sơ thuế bị mất hoặc hư hỏng. Các cán bộ thuế cũng đã được chỉ đạo sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập hồ sơ và cung cấp đầy đủ thông tin về các chính sách ưu đãi thuế hiện hành.

Kỳ vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp là rất lớn, và các chính sách miễn, giảm thuế đang đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi phục này. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ khác cũng đang được triển khai đồng bộ, từ việc khắc phục hậu quả cơ sở vật chất cho đến việc duy trì các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Với sự hỗ trợ từ chính sách thuế và nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tại Hải Phòng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhanh chóng ổn định hoạt động và đóng góp trở lại cho sự phát triển của địa phương. Đây không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng nền kinh tế bền vững và ứng phó với các biến động thiên tai trong tương lai.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực