|
Ngài Claus Wunderlich, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHLB Đức tại Việt Nam (Ảnh: HNV) |
(ĐCSVN) – Phát triển kinh tế bền vững là một trong ba lĩnh vực ưu tiên hợp tác (cùng với chăm sóc sức khỏe, đào tạo hướng nghiệp - dạy nghề) được Chính phủ Đức và Việt Nam cam kết sẽ củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng.
Điều này được ngài Claus Wunderlich - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phóng viên (PV): Ngài đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác CHLB Đức và Việt Nam trong thời gian qua?
Ngài Claus Wunderlich: Đức và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 33 năm. Mới đây nhất, vào tháng 10/2011, hai bên đã xây dựng khung hợp tác giữa hai nước, thành lập Ban điều phối hợp tác hai quốc gia trong đó đứng đầu là Ngoại trưởng Đức và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chính phủ Đức luôn khẳng định mong muốn phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia một cách chặt chẽ, lâu dài và bền vững.
Chính phủ Đức cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, giáo dục... đưa mối quan hệ chiến lược Đức – Việt Nam lên tầm cao mới.
Trong suốt thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam luôn được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, với 3 lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: phát triển kinh tế bền vững, chăm sóc sức khỏe và đào tạo hướng nghiệp - dạy nghề.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 10/2011 vừa qua đã khẳng định thêm sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, đặc biệt với việc Thủ tướng hai bên ký Tuyên bố Hà Nội, khẳng định đưa mối quan hệ chiến lược Việt Nam - Đức lên tầm cao mới, có thể thấy, tương lai về sự hợp tác bền vững của hai Chính phủ, hai quốc gia.
PV: Hiện nay, khủng hoảng nợ công đang lan rộng khắp châu Âu gây ra nhiều khó khăn. Điều này có ảnh hưởng gì tới những cam kết hỗ trợ của Chính phủ Đức đối với Việt Nam, thưa ngài?
Ngài Claus Wunderlich: Chính phủ Đức sẽ không cắt giảm khoản hỗ trợ cho Việt Nam như đã cam kết dù bối cảnh chung nợ công châu Âu đang có những ảnh hưởng tiêu cực. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Chính phủ Đức trong khu vực cần tăng cường và đẩy mạnh hợp tác giai đoạn hiện nay.
PV: Vậy triển vọng hợp tác hai quốc gia trong năm 2012 này sẽ như thế nào, thưa ngài?
Ngài Claus Wunderlich: Năm 2012, Chính phủ Đức cam kết hỗ trợ cho Việt Nam 1 triệu Euro. Theo kết quả đàm phán giữa hai Chính phủ (tháng 12/2011), khoản hỗ trợ này tập trung vào cơ sở hạ tầng, đào tạo hướng nghiệp - dạy nghề... đồng thời, hai Chính phủ vẫn tiếp tục thảo luận các nội dung hỗ trợ cụ thể khác nữa trong gói hỗ trợ 1 triệu Euro trên.
|
Ký kết thỏa thuận liên quan tới Dự án xây dựng Trường ĐH Việt - Đức, một trong nhiều dự án hợp tác quan trọng giữa hai chính phủ (Ảnh tư liệu) |
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược đã được đẩy mạnh nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong những lĩnh vực then chốt: Đối thoại chính trị chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, tư pháp và pháp luật, hợp tác phát triển và bảo vệ mội trường, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Đức nhận thấy tiềm năng to lớn để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, bao gồm cả thương mại và đầu tư với Việt Nam. Hai Nhà nước luôn khẳng định mong muốn duy trì đà phát triển trong những năm qua và tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai nước; mong muốn cùng nhau xác định những dự án hợp tác và thúc đẩy thực hiện nhanh những dự án này, trong đó có việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, một dự án sẽ thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam.
Theo tinh thần chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 10/2011, Đức và Việt Nam cũng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề trọng tâm trong chính sách kinh tế và thương mại, bao gồm phát triển thương mại, thị trường mở và cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ những tiêu chuẩn lao động quốc tế và củng cố Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, hai bên mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác đối tác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế tại Việt Nam, với mục tiêu tăng cường giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam và góp phần vào tăng trưởng mang lại lợi ích xã hội, bền vững môi trường.../.
PV: Xin cảm ơn ngài!