Chủ động trước các kịch bản tăng giá

Thứ sáu, 28/06/2024 14:47
(ĐCSVN) - Từ ngày 1/7 tới đây, sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tức tăng khoảng 30%). Đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui của hàng chục triệu người lao động đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở thì nỗi lo giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng theo tiền lương. Áp lực gia tăng lạm phát là hiện hữu, vì vậy theo nhận định của giới chuyên gia cần chủ động kịch bản ứng phó với lạm phát.
Ảnh minh hoạ: M.P

Vai trò quan trọng nhất thuộc về các cơ quan quản lý giá

Thực tế cho thấy, lịch sử các lần tăng lương cho thấy giá cả đều tăng theo. Do đó, chỉ khi kiềm chế được lạm phát thì việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa, đảm bảo nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ. 

Vậy giải pháp nào có thể kìm hãm được giá cả tăng khi lương được điều chỉnh tăng đã được lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan quản lý cùng nhiều chuyên gia đưa ra khi ngày thực hiện tăng lương đang cận kề.

Vừa qua, nhằm bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục…); Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời; Bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%;

Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng… Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Để tiết chế được đà tăng giá theo lương, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng vai trò quan trọng nhất thuộc về các cơ quan quản lý giá như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Hai đơn vị này phải quản lý chặt cơ cấu hình thành giá của một số mặt hàng thiết yếu để kiểm soát được giá bán ra thị trường.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra mộ số giải pháp cơ bản cần thực hiện ngay.

Cụ thể, Cục giá của Bộ Tài chính cùng với Tổng cục quản lý thị trường của Bộ Công thương phải rà soát đầu ra, đầu vào giá thành của những mặt hàng thiết yếu để xem giá thành thế nào, giá bán ra sao, có tăng hay không và tăng có hợp lý không, rất quan trọng vì nó ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá.

Bên cạnh đó, các Cục quản lý thị trường cùng các đội quản lý thị trường phải cùng với chính quyền kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp.

Đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục…nếu có việc tăng giá điện hay tăng giá các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thì cũng phải xem mức tăng có phù hợp và phải có thời gian giãn cách để không tạo ra những cú sốc về giá.

Và đặc biệt  theo vị chuyên gia này, việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Bà Nhung cho hay, tại phiên họp Ban Chỉ đạo đạo điều hành giá mới đây, Bộ Tài chính cũng xem xét bối cảnh, chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát, đồng thời đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện trong nửa năm cuối.

Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu.

Bên cạnh đó, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Chủ động ứng phó với các kịch bản tăng giá

Tổng cục Thống kê cho biết, hiện có nhiều thách thức trong việc điều hành giá như: bất ổn chính trị tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đang tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. 

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. 

Năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân trong khoảng 4 - 4,5%. Hiện, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 đã đi qua một nửa chặng đường. Công bố vừa qua của Tổng cục Thống kê cho thấy tháng 5 CPI tăng bình quân 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bảntăng 2,78%. 

Bộ Tài chính dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm dự báo trong khoảng 80-90 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước. 

Bộ Tài chính cũng đã dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Tương tự, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%). 

Hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều nhận định, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra. 

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng lạm phát năm 2024 sẽ không quá lớn bởi giá dầu tăng nhưng không thể tăng quá mạnh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của VN trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024. Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024 GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành; cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

 

 

 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực