Chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Thứ năm, 07/03/2024 17:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước tình hình thời tiết, thuỷ văn dự báo diễn biến phức tạp trong mùa khô, nhất là xu thế nguồn nước xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, các địa phương tại ĐBSCL đã chủ động đề ra nhiều giải pháp cụ thể.

 Ao Tham Thu tại Trạm bơm tăng áp Gò Công đang đảm bảo nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt (Ảnh: Báo Ấp Bắc)

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia: Xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ ngày 7 - 13/3, từ ngày 24 - 28/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 đến 4/2024 (từ ngày 7 - 13/3, từ ngày 24 - 28/3, từ ngày 7 - 12/4, từ ngày 22 - 28/4).

Trước tình hình thời tiết, thuỷ văn dự báo diễn biến phức tạp trong mùa khô, các địa phương tại ĐBSCL đã chủ động đề ra nhiều giải pháp tích cực.

*Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024, địa phương đầu tư trên 1.380 tỷ đồng triển khai hai dự án thủy lợi trọng điểm phía Tây là: dự án đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền và dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành tiếp giáp sông Tiền.

Các công trình thủy lợi được đầu tư kịp thời có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ gần 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Hiện nay, các công trình thủy lợi đầu mối trên cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành giúp tỉnh ứng phó hiệu quả hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2023 - 2024.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh rạch và trong nội đồng trong mùa khô hạn để có biện pháp ứng phó hữu hiệu; đồng thời, rà soát, củng cố hệ thống đê bao phòng, chống hạn hán và triều cường, chống xâm nhập mặn; lên kế hoạch cụ thể đóng các đập ngăn mặn ở các cửa kênh rạch thông ra sông Tiền trước khi xuất hiện độ mặn 1,0 gr/lít khu vực cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy).

Đối với những địa bàn sản xuất khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cao, địa phương yêu cầu nông dân xử lý rải vụ trên 4.750 ha vườn cây ăn trái; trong đó, có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là các cây trồng khác. Mục đích tránh thời điểm cây mang trái lại bị ảnh hưởng thiên tai, sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn trong mùa khô hạn, các địa phương phía Tây tỉnh đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt và chủ động.

Đúc kết kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu, Tiền Giang chủ động và linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ thành công các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là trên 20.000 ha sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao trong mùa khô 2023 - 2024.

Nông dân tỉnh Hậu Giang cẩn trọng khi sử dụng nước tưới cho rẫy khóm (Ảnh: Báo Hậu Giang)

* Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, mặn xâm nhập từ triều biển Tây xâm nhập vào các địa phương với nồng độ mặn ngày càng cao theo con nước sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Cụ thể, kết quả đo nồng độ mặn vào ngày 6/3 ở thành phố Vị Thanh, tại Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến là 5,6‰; ngã ba Nước Trong là 6,3‰. Tại huyện Long Mỹ, nồng độ mặn đo được tại UBND xã Lương Nghĩa là 7,2‰; cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa) là 8,8‰. So với ngày 5/3, nồng độ mặn tại các địa phương này đã giảm từ 0,1‰-0,4‰.

Dự báo nồng độ mặn tại tỉnh Hậu Giang còn duy trì ở mức cao trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng triều cường cuối tháng 1 âm lịch và gió Đông Bắc (biển Đông). Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang yêu cầu ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi, chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn tăng cao. Các địa phương có mặn xâm nhập khuyến cáo người dân không lấy nước lên đồng đối với trà lúa đang ngậm sữa, trổ, chín. Trong đó, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2024. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện tập trung toàn bộ các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả; rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Đông xuân 2023 - 2024 và Hè thu 2024…

*Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa Đông - Xuân muộn của tỉnh hơn 41.000ha, trong đó diện tích lúa trong kế hoạch hơn 31.000ha, ngoài kế hoạch hơn 9.400ha, cao hơn 34% so cùng kỳ năm trước. Trà lúa giai đoạn mạ hơn 268ha, đẻ nhánh 13.860ha, đòng 16.798ha và trổ - chín là 10.424ha. Dự kiến lúa sẽ tập trung thu hoạch vào ngày 10 - 20/4/2024 và kết thúc tháng 5/2024.

Hiện tại, do mặn diễn biến gay gắt và đang ở mức cao, để bảo vệ diện tích sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để ứng phó hạn, mặn; cập nhật thông tin nguồn nước thường xuyên đến hộ dân và tiến hành vận hành đóng, mở cống ngăn mặn - trữ ngọt kịp thời… Các ngành chuyên môn và địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác ứng phó hạn, mặn bằng cách tạo các nhóm Facebook, Zalo để thông tin về diễn biến mặn thường xuyên, liên tục đến nông dân./.

Tường Vy (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực