Chuyển đổi số với ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giáo dục môi trường

Chủ nhật, 18/09/2022 08:46
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Những năm gần đây, hiện trạng suy thoái môi trường đã và đang đòi hỏi khắc phục gốc rễ của các vấn đề môi trường dựa trên giáo dục môi trường cải thiện mối quan hệ đạo đức giữa con người và thiên nhiên.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời, phù hợp với phẩm chất cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo của con người Việt Nam.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

 Chuyển đổi số tác động trên mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại (Ảnh tư liệu)

Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực Y tế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với sự phát triển đất nước.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động giảng dạy. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.

Sự phát triển của công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người. Thời gian qua, việc ứng phó với COVID-19 với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” đã thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục. Dạy trực tuyến, thi trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến, bảo vệ khóa luận trực tuyến, khai thác học liệu số và quản lý cũng chuyển một phần sang trạng thái trực tuyến. Dịch COVID-19 đã là cơ hội để giáo dục đại học chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện.

Hướng tới tiếp tục thúc đẩy xu thế chuyển đổi số trong giáo dục, ngày 25/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung hướng tới là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

 Ứng dụng thực tế ảo trong giáo dục môi trường giúp thay đổi tư duy, kích thích sáng tạo (Ảnh tư liệu)

Những năm gần đây, hiện trạng suy thoái môi trường đã và đang đòi hỏi khắc phục gốc rễ của các vấn đề môi trường dựa trên giáo dục môi trường cải thiện mối quan hệ đạo đức giữa con người và thiên nhiên. Quá trình công nghiệp hóa ấn tượng và giảm nghèo tại Việt Nam đã kèm theo việc phải trả giá đắt về môi trường tự nhiên.

Theo Chỉ số hiệu suất môi trường năm 2022, Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 3 quốc gia có điều kiện môi trường thiên nhiên kém nhất, với thứ hạng 178 trên 180 quốc gia được đánh giá. Trong quá khứ, người dân có thể đã sẵn sàng chấp nhận đánh đổi giữa ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện kinh tế, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều nhận thức về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam (PAPI) năm 2021, về nội dung quản trị môi trường, tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc chỉ đạt dưới 5 điểm (dưới mức trung bình) trên thang điểm 10. Kết quả này cho thấy người dân thể hiện sự không hài lòng với thực tế bảo vệ môi trường tại các địa phương. Hoạt động bảo vệ môi trường thực chất cần có sự nỗ lực tham gia của toàn thể cộng đồng cùng với các tổ chức chính quyền.

Công nghệ thực tế ảo với giáo dục môi trường giúp nâng cao đạo đức sinh thái

Nếu được hướng dẫn, giáo dục môi trường phù hợp, sự không hài lòng trên sẽ trở thành động lực để người dân cùng tham gia hành động bảo vệ môi trường. Ngoài ra, giáo dục môi trường cũng có thể thay đổi một cách căn bản các hành vi sai trái gây ô nhiễm ngay từ đầu, giảm thiểu các chi phí thực hiện hoạt động để xử lý sau ô nhiễm môi trường. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, cụ thể là Điều 153, đã xác định Giáo dục môi trường là chính sách bảo vệ môi trường quan trọng cần thực hiện.

Giáo dục môi trường giúp cá nhân và các cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo là kết quả tương tác của nhiều nhân tố sinh học, lý học, xã hội, kinh tế và văn hóa; đem lại cho họ kiến thức, nhận thức về giá trị, thái độ và kỹ năng thực hành để họ tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong phòng ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý chất lượng môi trường. Giáo dục môi trường là quá trình học tập suốt đời và dựa trên sự tích hợp kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau để mọi người hiểu thế giới tự nhiên phức tạp và các vấn đề liên quan, bao gồm dân số, ô nhiễm, sản xuất và tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, phát triển công nghệ, xây dựng giao thông và các quy hoạch đô thị. Một cách khái quát, giáo dục môi trường giúp cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng nâng cao hiểu biết về môi trường, từ đó hình thành thái độ đúng đắn với môi trường và xây dựng kỹ năng hành động hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục môi trường là hướng tới tạo ra các công dân có đạo đức sinh thái, biết sống vì môi trường. Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên sẽ được đảm bảo thông qua hoạt động giáo dục môi trường.

 Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục môi trường làm việc học trở nên sinh động, thực tế hơn (Ảnh tư liệu)

Giáo dục môi trường có hiệu quả nhất khi kết hợp được cung cấp kiến thức về môi trường trong môi trường thực tế đóng vai trò như một phòng thí nghiệm cung cấp cơ hội tương tác đa dạng, sinh động cho người học khám phá. Việc sử dụng các phương pháp dạy học mang tính trực quan là phương thức quan trọng giúp giáo dục môi trường có thể đạt được hiệu quả học tập. Để mô phỏng môi trường thực tế, công nghệ thực tế ảo có thể được áp dụng trong giáo dục môi trường để nâng cao hiểu biết về môi trường và từ đó cải thiện đạo đức sinh thái. Cốt lõi của công nghệ thực tế ảo là nhấn mạnh sự tương tác, nhờ đó gia tăng trải nghiệm của con người trong môi trường ảo.

Xuất hiện từ những năm 1960s, công nghệ thực tế ảo đã nhận được sự quan tâm áp dụng trong giáo dục. Và thời gian gần đây, khi thiết bị dễ tiếp cận hơn, thì việc áp dụng công nghệ thực tế ảo đã và đang được quan tâm nhiều hơn. Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) là sự kết hợp của công nghệ máy tính, công nghệ cảm biến, công nghệ mô phỏng và công nghệ vi điện tử nói chung, nhằm tạo ra một môi trường ảo thông qua máy tính. Thông qua thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và các chức năng khác, người dùng tạo ra cảm giác giống như trong thực tế. Người dùng tương tác với các đối tượng trong môi trường ảo một cách tự nhiên với sự trợ giúp của các thiết bị cần thiết, để tạo ra cảm giác và trải nghiệm tương tự như môi trường thực. Mặc dù môi trường không có thật, nhưng nó hoạt động như một môi trường ba chiều thực tế, như thể môi trường ở xung quanh chúng ta. Bằng cách này, người dùng sẽ có cảm giác nhập vai và nhận ra sự tương tác trực tiếp giữa người dùng và môi trường. Công nghệ này được áp dụng vào việc học, tức là người học không còn thụ động nhìn, nghe và chấp nhận nội dung được cung cấp mà có thể tham gia vào quá trình phát triển và thay đổi của các sự kiện dưới nhiều hình thức khác nhau, và đóng một vai trò trong quá trình thay đổi của các sự kiện. Đồng thời, hành vi của người học sẽ ảnh hưởng đến hướng phát triển của các sự kiện, khiến việc học tập giống như cuộc sống và trò chơi. Mặt khác, giáo viên cũng có thể đóng vai trò trong môi trường ảo và phối hợp học tập với người học để hình thành mối quan hệ dạy học hài hòa, tương tác và hợp tác.

Nghiên cứu thực nghiệm việc áp dụng công nghệ thực tế ảo trong giáo dục môi trường cho thấy nhiều kết quả tích cực. Makransky and Mayer (2022)  áp dụng công nghệ thực tế ảo với bài học về ứng phó biến đổi khí hậu. Kết quả thực nghiệm cho thấy sự quan tâm, hứng thú học tập; cảm giác được trải nghiệm; và khả năng lưu giữ thông tin được gia tăng đáng kể với công nghệ thực tế ảo. Dựa trên kết quả thực nghiệm, Liu và cộng sự (2019) cũng đã cho thấy các khóa học vận hành và trải nghiệm thực tế ảo có nhiều khả năng khơi dậy sở thích của mọi người, làm sâu sắc thêm hình ảnh học tập, thúc đẩy đạo đức sinh thái và phát triển kinh nghiệm hành động vì môi trường. Ngoài việc đạt được mục tiêu nhận thức, quan trọng hơn, việc thực hành giáo dục môi trường có thể đạt được mục tiêu tu dưỡng đạo đức sinh thái, cho phép các tình nguyện viên thực hành các kỹ năng môi trường trong trải nghiệm thực tế ảo, trau dồi kinh nghiệm hành động và dạy mọi người nghiên cứu các vấn đề môi trường và đánh giá khả năng các giải pháp.

Rõ ràng, việc áp dụng thực tế ảo vào thực tiễn giáo dục môi trường đã mang lại hiệu quả nhất định. Do đó, giáo viên có thể kết hợp sự hỗ trợ của các nguồn lực liên quan đến thực tế ảo để có thêm cơ hội ứng dụng thực tế ảo vào việc khám phá và trải nghiệm giáo dục môi trường của người học, lựa chọn địa điểm hoặc vấn đề mà người học quan tâm, thiết kế các hoạt động khóa học phù hợp với đặc điểm môi trường, tìm kiếm những người có kiến thức chuyên môn để giải thích môi trường, cũng như mở rộng tầm nhìn học tập của người học và tiếp xúc với thiên nhiên để phát huy tác dụng của giáo dục môi trường./.

 

Nguyễn Công Thành - Trương Đình Đức
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực