Chuyển giao công nghệ thúc đẩy hiện đại hoá nông thôn

Chủ nhật, 27/10/2019 09:04
(ĐCSVN) - Thực hiện Chỉ thị 63-CT/TW ngày 28/02/2001 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn”, nhiều địa phương đã từng bước ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.
Một mô hình trồng rau sạch bằng công nghệ thuỷ canh và khí canh. (Ảnh: Đặng Hiếu)

Thực tiễn cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn xây dựng và thực thi nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, trong đó có Chương trình Xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi (gọi tắt là Chương trình Nông thôn, miền núi). Chương trình có 3 mục tiêu chính là: Chuyển giao được các công nghệ vào sản xuất thông qua thực hiện các mô hình ứng dụng; đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cơ sở; tập huấn cho người dân vùng dự án. Để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 63-CT/TW trong tình hình mới, ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Trên cơ sở đó, Chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương, như nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 4 năm (từ 2016 - 2019) đã phê duyệt và cho thực hiện trên 350 dự án, trong đó có gần 290 dự án do Trung ương quản lý và trên 60 dự án ủy quyền cho địa phương quản lý. Trong số đó có gần 40% số dự án được thực hiện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; trên 20% số dự án dự án có mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân. Dự kiến khi kết thúc các dự án vào năm 2025, sẽ có trên 1.300 công nghệ mới được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất; xây dựng được hơn 1.000 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 4.700 cán bộ kỹ thuật; tập huấn kỹ thuật cho 53.000 lượt người dân.

Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều dự án thực hiện tại vùng núi, vùng dân tộc thiểu số có kết quả tốt, như Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên” được triển khai từ năm 2016, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Đông Bắc chủ trì. Dự án đã tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng thành công công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá rô phi, diêu hồng. Thực hiện công nghệ này đã làm tăng năng suất đến 120,6 tấn/ha (gấp 6 lần công nghệ nuôi thông thường), giảm lượng nước sử dụng 90% so với định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần. Việc tái sử dụng nước giúp bảo vệ môi trường đã biến hệ thống này thành hệ thống nuôi “Thân thiện với môi trường”. Người dân tham gia dự án có mức thu nhập hàng tháng tăng 42% so với trước khi thực hiện dự án.

Hoặc như Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Ô long và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu” do Công ty Cổ phần chè Tam Đường Lai Châu thực hiện. Trước đây, Công ty chỉ sản xuất chè sơ chế làm nguyên liệu thô, giá trị mang lại thấp, thì nay, sau khi thực hiện giai đoạn 2 của dự án đã đa dạng sản phẩm hàng hóa. Thương hiệu chè Tam Đường đã giúp cho tỉnh Lai Châu được cả nước biết đến; sản phẩm chè Tam Đường hiện nay cũng đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính trên thế giới. Dự án đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất với hơn 2.000 hộ nông dân, giải quyết việc làm được cho hơn 4.000 lao động trong vùng.

Ngoài ra, còn nhiều Dự án khác cũng mang lại hiệu quả tích cực như Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận”; Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Bình Phước”…

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy Chương trình Nông thôn, miền núi bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Nguồn nhân lực trên địa bàn nông thôn và miền núi trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu. Nguồn lao động ở địa phương còn rất lớn nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cho sản xuất của các doanh nghiệp. Hầu hết các hộ dân ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn rất nghèo, điều kiện học hành khó khăn, dân trí thấp ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ. Việc huy động nguồn nhân lực khoa học và công nghệ để chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ tại địa bàn nông thôn miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Những chính sách huy động hiện thời của Nhà nước chưa khuyến khích được đội ngũ này.

Sản xuất ở nông thôn và miền núi chủ yếu dựa vào kinh tế hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ bé, vốn đầu tư hạn chế, còn mang nặng tính tự túc tự cấp, chưa thực sự là sản xuất hàng hóa, vì vậy quy mô các dự án không lớn, trừ một số dự án do doanh nghiệp chủ trì thì quy mô có khá hơn. Doanh nghiệp cũng như hợp tác xã ở nông thôn, miền núi không nhiều nên việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị sản xuất ở nông thôn, miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Công tác triển khai ứng dụng, duy trì và nhân rộng mô hình (kết quả dự án) vào thực tiễn sản xuất còn gặp một số khó khăn về vốn sản xuất vì đa số là đồng bào dân tộc nghèo và việc nắm bắt tiến độ kỹ thuật còn hạn chế. Tính năng động của cán bộ địa phương, đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo từ dự án còn hạn chế, chưa chủ động trong việc triển khai duy trì và nhân rộng mô hình vào thực tiễn địa phương. Hơn nữa, cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức và có giải pháp phù hợp do vậy ảnh hưởng tới sức lan tỏa của mô hình điểm ra diện rộng, hay nói cách khác kết quả của dự án thiếu tính bền vững.

Hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Giao thông đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa cũng như hạ tầng về thông tin liên lạc những năm gần đây tuy đã được cải thiện nhưng chưa tạo được sự thuận lợi cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa cũng như chuyển giao, ứng dụng, tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ. Hạ tầng thông tin chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho công tác phổ biến kiến thức, thông tin tuyên truyền về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Công tác truyền thông về các mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ thực hiện tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc.

Để đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cho việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhất là cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về “nằm vùng”, “cắm bản” để hướng dẫn, chuyển giao khoa học và công nghệ tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề nghị Trung ương Hội Nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trong việc chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi. Các bộ, ngành liên quan cần chủ động đề xuất với Chính phủ hoặc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong phạm vi thẩm quyền; chỉ đạo các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhất là hỗ trợ kinh phí nhiều hơn để triển khai các dự án khuyến nông, khuyến công, xây dựng nông thôn mới, thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức… để nhân rộng kết quả ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ của các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được khẳng định là có hiệu quả đối với địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào các dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, các tổ chức khoa học và công nghệ trong việc tổ chức thực hiện Chương trình đến năm 2025./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực