Cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh

Thứ bảy, 16/11/2024 16:14
(ĐCSVN) -Tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024, các đại biểu và chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - lần II năm 2024

Tại các hội thảo theo chủ đề, các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn quốc tế về bối cảnh, xu hướng và giải pháp kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo.
Theo đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ góc nhìn quốc tế về bối cảnh, xu hướng và giải pháp kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, cộng hợp nguồn lực công - tư hiệu quả cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, du lịch và kinh tế xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.  

Ông Peter Johnson – Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chia sẻ, Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với các nguy cơ như tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu (mực nước biển dâng cao làm tăng tình trạng nhiễm mặn); sử dụng quá mức tài nguyên... Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, ông Peter Johnson cho rằng cần có giải pháp phát triển nông nghiệp xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Nông nghiệp chính xác, hệ thống giám sát, phân tích, cơ sở hạ tầng hỗ trợ; tiếp thị kỹ thuật số; xây dựng các giải pháp kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho các trang trại nhỏ; chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác; sử dụng các công nghệ như AI, IoT và phân tích dữ liệu để cải thiện việc giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước…

 Chuyên gia quốc tế chia sẻ tại hội thảo.

TS Nguyễn Thanh Mỹ với báo cáo "Chuyển đổi kép ở đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp và thủy sản" cho rằng: đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Chính vì thế tôm chế biến xuất của vùng này đi thị trường các nước rất lớn, trong đó đáng chú ý là thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, dư lượng kháng sinh và một số vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của vùng cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Về cây lúa, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp đang là vấn đề thời sự. Theo xu hướng của thế giới, canh tác lúa theo đề án phù hợp với cam kết và tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, làm thế nào để đề án có kết quả tốt và được nông dân hưởng ứng là rất quan trọng. Vấn đề khoa học công nghệ trong canh tác nông nghiệp hiện nay là vấn đề nóng. Từ phân bón, thuốc trừ sâu, phân hữu cơ và quản lý dịch bệnh theo hướng tận dụng những thiên địch trong tiêu diệt sâu rầy đảm bảo môi trường, đảm bảo lúa gạo an toàn là những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Chia sẻ về phát triển du lịch xanh, nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác công – tư, trong đó tạo không gian hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, startup và cộng đồng để thử nghiệm và triển khai các sáng kiến du lịch xanh; tăng cường vai trò của startup và SME trong đổi mới sáng tạo; khuyến khích áp dụng công nghệ trong quản lý và trải nghiệm du lịch xanh.

 Các startup chia sẻ tại hội thảo thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án du lịch xanh; nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho người dân địa phương và du khách để tạo nền tảng bền vững cho các hoạt động du lịch. 

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xanh, các đại biểu, các startup đều cho rằng cần quan tâm đến mô hình kinh doanh thương mại điện tử; tạo ra cộng đồng khởi nghiệp theo từng chuyên ngành; đào tạo nguồn nhân lực xanh để có đội ngũ con người có hiểu biết, kĩ năng, thái độ tương thích với các yêu cầu chuyển đổi xanh để chuyển đổi không chỉ cho ngành du lịch mà cho nhiều ngành kinh tế khác trên địa bàn; xây dựng chính sách ưu đãi; tăng cường hợp tác quốc tế... 

Những ý kiến, giải pháp được trình bày tại phiên thảo luận đã mở ra những định hướng mới trong mục tiêu kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả để phát triển kinh tế xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực