(ĐCSVN) - Ngày 28/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam được xây dựng và công bố lần đầu tiên vào năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản liên tục hàng năm, nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận các vấn đề chính sách kinh tế quan trọng và dự báo viễn cảnh kinh tế trong năm.
Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” đã được khẩn trương thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, Báo cáo được khẩn trương thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Quá trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng tiến triển, hiệu quả và những được-mất vẫn cần thời gian để đánh giá. Nền kinh tế vẫn cần có nhiều thay đổi về thể chế và chính sách để thích ứng với bối cảnh mới, giúp Việt Nam hòa nhập và hòa đồng với các nước khác. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng khẳng định, đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như những người quan tâm đến các vấn đề thời sự kinh tế tại Việt Nam.
|
Năm nay, Báo cáo có chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” (Ảnh: PV) |
Theo đó, Báo cáo ghi nhận, tiến trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu to lớn, làm biến đổi bộ mặt quốc gia và nâng cao đời sống dân cư. Tuy nhiên, còn cần nhiều thời gian và nghiên cứu dựa trên bằng chứng để đánh giá đúng đắn tác động, những cái được và mất của những thay đổi lớn lao này. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đứng trước nhu cầu và sức ép thay đổi liên tục, căn bản để phát huy những cơ hội đến từ hội nhập. Quá trình hội nhập và phát triển kinh tế chỉ có thể bền vững khi Việt Nam thực sự hòa nhập với khu vực và thế giới trên một căn bản thể chế và cấu trúc xã hội phù hợp với thời đại.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về "Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam".
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 bao gồm 7 chương: Chương 1 “Tổng quan kinh tế thế giới 2014”; chương 2 “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2014”; chương 3 “Bất ổn đằng sau sự ổn định danh nghĩa của tỷ giá”; chương 4 “Phân tích an toàn vĩ mô cho hệ thống ngân hàng Việt Nam 2015-Ứng dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng”; chương 5: “Được và mất trong TPP: Đánh giá từ mô hình GTAP cho Việt Nam”; chương 6: “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo-Cách tiếp cận cấu trúc thị trường”; chương 7: “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2015 và khuyến nghị chính sách” và 2 phụ lục. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2014, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý I/2015. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang dự kiến xuất bản vào đầu tháng 7/2015 và báo cáo tiếng Anh dự kiến xuất bản vào tháng 9/2015, phát hành trên thị trường quốc tế./.