Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hệ thống khuyến nông Việt Nam

Thứ ba, 15/12/2015 08:55
(ĐCSVN) – Chiều 14/10, tại Hà Nội, Trung tâm khuyến nông quốc gia (TTKNQG) tổ chức Hội thảo góp ý kết quả Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng năng lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG cho biết, để có cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các chính sách, chương trình Dự án khuyến nông phục vụ chủ trương tái cơ cấu ngành, cần thiết phải tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng năng lực chuyển giao TBKT của hệ thống khuyến nông các cấp bao gồm khuyến nông trong nước và ngoài nhà nước, đồng thời thông qua đó thu thập cơ sở dữ liệu về các chỉ số giám sát, đánh giá về khuyến nông, chuyển giao TBKT trong hệ thống chỉ tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Xuất phát từ điều này, Bộ NN&PTNT đã giao TTKNQG thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng năng lực chuyển giao TBKT và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông Việt Nam”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện 20 tỉnh, thành được chọn lựa trong triển khai Dự án (Ảnh: HNV)

Chia sẻ về kết quả Dự án, ông Nguyễn Bá Tiến, cán bộ Dự án thông tin: có 20 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng sản xuất nông nghiệp được lựa chọn mẫu nghiên cứu, khảo sát, bao gồm: 4 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, 4 tỉnh duyên hải miền Trung, 2 tỉnh Kon Tum và 4 tỉnh ĐBSCL. Dự án đã lấy ý kiến đánh giá của 40 huyện thuộc địa bàn 20 tỉnh, thành phố điều tra, 20 Trung tâm khuyến nông cấp tỉnh, 40 Trạm Khuyến nông huyện và 237 cán bộ khuyến nông cùng 47 đơn vị khuyến nông ngoài nhà nước gồm: 37 đơn vị sự nghiệp, công lập nhà nước cấp 100% kinh phí hoạt động, 2 đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự chủ một phần kinh phí hoạt động, 5 doanh nghiệp, 3 tổ chức phi Chính phủ. Đặc biệt là lấy ý kiến phỏng vấn 999 nông dân trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố được chọn mẫu điều tra.

Kết quả điều tra đã nhấn mạnh sự cần thiết của kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông từ Trung ương xuống cơ sở cũng như vai trò quan trọng của ứng dụng, chuyển giao TBKT trong nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của khuyến nông các cấp trong bối cảnh hiện nay.

Tại hội thảo, đại diện khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Bến Tre đồng tình về sự cần thiết phải củng cố, duy trì hệ thống dọc của ngành tại các tỉnh vùng đồng bằng. Điều này tạo thuận lợi lớn cho khuyến nông địa phương trong công tác tham mưu, tích cực tham gia công tác chuyển giao TBKT, đào tạo dạy nghề cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp nước nhà. Đại diện tỉnh Bến Tre cũng đề xuất, cần tiến hành điều tra giám sát các thông tin chuyển giao TBKT nói riêng và công tác khuyến nông nói chung 5 năm hai lần nhằm kịp thời cập nhật các thông tin khuyến nông cũng như xem xét cải tiến cách phát hành tài liệu khuyến nông cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thông tin thời sự. Đặc biệt, phải chú ý xây dựng mô hình sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ hoặc có thể giới thiệu địa chỉ tiêu thụ nhằm củng cố giá trị bền vững của mô hình.

Tiếp tục đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả (Ảnh: HNV)

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Hải Dương cho rằng, cần quan tâm hơn tới chi phí nhằm giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn trong xây dựng khoa học khuyến nông, cũng như có cơ chế linh hoạt để có thể xây dựng và nhân rộng mô hình Quỹ khuyến nông như TP Hà Nội đã thực hiện rất hiệu quả thời gian qua.

Riêng đại diện khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Thanh Hóa lại đề xuất về việc tranh thủ các tiềm lực của huyện trong củng cố, phát triển hoạt động hiệu quả của hệ thống khuyến nông huyện. Ngoài ra, xem xét về quy định liên quan tới định mức của mô hình khuyến nông vì chiếu theo quy định, nhiều mô hình sẽ không thể nào triển khai được.

Có thể thấy, Dự án đã đánh giá bước đầu về năng lực, trình độ, thuận lợi và hạn chế trong triển khai chuyển giao TBKT của công tác khuyến nông. Theo đó, tới đây, sẽ xem xét cải tiến để việc xây dựng mô hình, nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khoa học kỹ thuật cho nông dân, truyền thông – thông tin và tư vấn khuyến nông qua nhiều kênh một cách thiết thực và hiệu quả hơn./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực