|
Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh (Ảnh: T.H) |
Chung tay cùng doanh nghiệp và nhân dân vượt khó
Phóng viên (PV): Trải qua nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, xin ông cho biết, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp như thế nào trong việc cùng đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước hồi phục, vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ được giao?
Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng: Khép lại một năm 2022 đầy gian khó, chúng ta đã được chứng kiên sự hồi sinh thần kỳ của TP Hồ Chí Minh với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn Thành phố năm 2022 đạt 471.562 tỷ đồng, đạt 122,23 % dự toán và tăng 23,15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu dẫn đầu cả nước với trên 100 tỷ USD. Có được kết quả này là do những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân đã giúp Thành phố vượt qua mọi khó khăn, đạt được những con số ấn tượng.
Quản lý địa bàn rộng lớn và phát triển kinh tế năng động nhất cả nước, Hải quan TP Hồ Chí Minh ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình, là cánh tay đắc lực của Thành phố trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền kinh tế. Từ việc nhận diện tình hình năm 2022 còn nhiều khó khăn và thách thức, không thể chờ đợi quá lâu, chúng tôi phải bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng các chương trình hành động phù hợp, tập trung lực lượng triển khai đồng bộ các kế hoạch đã đề ra.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những kết quả nổi bật của Hải quan TP Hồ Chí Minh trong năm qua?
Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng: Với một tâm thế sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng của người cán bộ Hải quan, năm 2022, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã những đóng góp không nhỏ khi chung tay cùng Thành phố vực dậy sau đại dịch, tạo động lực mạnh mẽ cùng chính quyền và nhân dân Thành phố hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã lập kỷ lục khi hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN trước 02 tháng. Tính đến ngày 31/12/2022, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố đạt 143,045.42 tỷ đồng, đạt gần 123% chỉ tiêu pháp lệnh (116,500 tỷ đồng); tăng 20,74% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này đã đánh giá một năm nỗ lực không mệt mỏi bằng tinh thần luôn chủ động, sáng tạo trước mọi khó khăn, thách thức của tập thể Lãnh đạo và cán bộ công chức Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Với quyết tâm và nhiệt huyết mạnh mẽ, chúng tôi đã xây đắp mối quan hệ “Hải quan - Doanh nghiệp” ngày càng khăng khít và phát triển bền vững. Điều đó đã được minh chứng thông qua sự gắn bó, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp giúp Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như tạo động lực mạnh mẽ để chúng tôi tiếp tục cải cách, hiện đại hóa, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về hải quan.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia. Thực hiện tốt vai trò quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, bám sát theo chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài Ngành, triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hài hoà giữa công tác tạo thuận lợi thương mại và công tác chống buôn lậu gian lận thương mại. Qua đó trong năm phát hiện trên 3.100 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trị giá tang vật trên 3.300 tỷ đồng, 83 vụ ma túy, tang vật thu được là hơn 213,71kg ma túy và tiền chất các loại, phạt tăng thu NSNN 50 tỷ đồng.
Đặc biệt, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh luôn chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Năm 2022 là năm thứ 6 Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề năm: “Cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cam kết là đối tác tin cậy, chung tay phục hồi kinh tế 2022”. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả theo tôn chỉ: “Thái độ phục vụ ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn – Doanh nghiệp ngày càng hài lòng – Tin cậy hơn”, với những chương trình hành động thiết thực, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp: Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các sự kiện gặp gỡ giao lưu để tuyên truyền chính sách pháp luật về hải quan, giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; hướng dẫn cho doanh nghiệp hiểu biết hơn về các FTA, tận dụng các lợi thế để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn xa ra khu vực và thế giới. Bên cạnh đó Hải quan TP tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan đã rút ngắn chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Bên cạnh đó, năm 2022, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tạo thuận lợi thương mại và hợp tác đối tác Hải quan - doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội logistics để đẩy mạnh vai trò đại lý hải quan, thực sự là cánh tay nối dài của cơ quan Hải quan, là cầu nối giữa Hải quan và doanh nghiệp hướng đến tính chuyên nghiệp, tự nguyện tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan, minh bạch hóa các khâu thủ tục. Đặc biệt, ngày 14/4/2022, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Tọa đàm: “Logistic TP Hồ Chí Minh cất cánh” và ký Quy chế phối hợp giữa hai bên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường kết nối trong hoạt động logistics. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng về con người, công nghệ và lòng quyết tâm để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển phát triển logistics TP Hồ Chí Minh, để trung tâm logistics TP Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ cho thành phố mà phục vụ cho cả nước và cả khu vực.
Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh còn thường xuyên hiến kế cho UBND TP Hồ Chí Minh về kế sách phát triển dịch vụ logistics, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi thương mại góp phần đưa logistics Thành phố cất cánh phát triển bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực dẫn dắt tăng trưởng của cả nước, khu vực và thế giới.
Có thể nói rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách, quyết tâm cùng thành phố thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị được giao, tăng tốc tạo động lực phát triển kinh tế để TP Hồ Chí Minh sớm thay đổi định vị chiến lược từ một “đầu tàu quốc gia” trở thành một “thành phố quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
|
Tập thể lãnh đạo chủ chốt Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh (Ảnh: T.H) |
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách và đổi mới
PV: Là Cục Hải quan lớn nhất của ngành Hải quan, trong năm qua, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã làm gì để hiện thực hóa mục tiêu cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thưa ông?
Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng: Cải cách TTHC là mục tiêu chiến lược của toàn ngành Hải quan được đẩy mạnh triển khai từ nhiều năm nay. Góp phần vào thành tích chung của toàn Ngành, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh luôn nỗ lực quyết tâm cải cách TTHC với mục tiêu: lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng. Với những giải pháp thiết thực, tạo thuận lợi thực chất cho người dân và doanh nghiệp, trong ba năm liên tiếp (2019 – 2021), Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu trong toàn Ngành về chấm điểm chỉ số cải cách TTHC. Sự nỗ lực, quyết tâm này đã được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao và là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện các mục tiêu cải cách với các kết quả cụ thể:
Thường xuyên đẩy mạnh cải cách TTHC. Hàng năm, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đều ban hành Kế hoạch cải cách TTHC riêng, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của TTHC, đề xuất kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, UBND TP những vướng mắc trong công tác quản lý để xem xét, xây dựng văn bản cho phù hợp với tình hình mới; tích cực tuyên truyền và công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin về TTHC của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát TTHC, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của toàn Ngành và của Thành phố.
Đặc biệt, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và vận hành có hiệu quả một số hệ thống công nghệ thông tin quan trọng phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tự động. Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống Hải quan tự động (VNACCS/VCIS) với trên 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây; thu thuế qua hệ thống ngân hàng 24/7, triển khai dịch vụ công mức độ 3,4 đạt 91% tổng số dịch vụ công; đã tích hợp 98 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia với hơn 259 TTHC của 13 Bộ, ngành kết nối. Bên cạnh đó việc triển khai Hệ thống quản lý Hải quan tự động (VASCM) tại một số cảng và sân bay đã tạo thuận lợi cho việc kết nối và trao đổi thông tin với hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, sân bay, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Năm 2022 là năm bản lề để Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chuẩn bị những điều kiện cần thiết chuyển sang Hải quan số, Hải quan thông minh với mức độ tự động hóa cao theo đúng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Trên cơ sở đó, với việc đẩy mạnh công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có thể làm thủ tục hải quan ở mọi lúc mọi nơi, rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Có thể nói những nỗ lực của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trong công tác cải cách TTHC trên nền tảng công nghệ số đã thực sự đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo niềm tin tưởng, lòng thương mến, sự gắn bó và là động lực mạnh mẽ để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng Thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, hồi sinh kinh tế ngoạn mục và tăng tốc phát triển bền vững.
Vững vàng bản lĩnh người cán bộ Hải quan “Tài - Đức”
PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có Tài mà không có Đức là người vô dụng. Có Đức mà không có Tài thì làm việc gì cũng khó”. Theo Cục trưởng, người cán bộ Hải quan trong tình hình mới cần hội tụ những yếu tố nào để vừa là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế vừa bảo vệ, gìn giữ, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp tự tin hội nhập khu vực và thế giới?
Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng: Trong mỗi chúng ta luôn có mong muốn phát triển bản thân, trở thành một công dân tốt cho xã hội. Nhưng quá trình đó không bao giờ dễ dàng cho bất cứ ai, muốn có được điều đó như Bác Hồ đã nói phải hội tụ được hai yếu tố có Tài và có Đức. Ứng với mỗi thời đại khác nhau, nội hàm của hai chữ Đức và Tài cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Ông cha ta chọn cán bộ có đức và tài theo tiêu chí: Đức do tín nhiệm của nhân dân, Tài phải qua thi cử. Thế giới chọn cán bộ cọ xát qua tranh cử - chọn cán bộ “có đức có tài” sàng lọc qua lá phiếu tín nhiệm của nhân dân. Mặc dù mỗi thời đại tiêu chí chọn người Tài, Đức khác nhau nhưng hai phẩm chất đó luôn là thước đo giá trị đầu tiên của mỗi con người.
Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển khu vực và thế giới, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội được mở ra trước mắt, cũng sẽ có không ít những khó khăn và thách thức, những cám dỗ và nguy hiểm. Ngành Hải quan là ngành được tiếp xúc nhiều với môi trường quốc tế với những guồng quay như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp, thời đại công nghệ số với nền văn minh trí thức và công nghệ tiên tiến được lên ngôi. Đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức Hải quan phải là những người có kiến thức và thực sự nhạy bén với nền kinh tế mở, hội nhập trong khuôn khổ nhưng không hòa tan.
Với những yêu cầu và đòi hỏi của thời đại công nghiệp 4.0, tôi nghĩ rằng người cán bộ Hải quan cần hội tụ đủ 03 phẩm chất: “Tài - Đức - Bản lĩnh”. Bên cạnh Tài và Đức, người cán bộ Hải quan phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám nói. Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời để làm vì sự nghiệp chung, củng cố niềm tin của nhân dân; khi nghĩ đúng thì dám dấn thân vào làm, quyết tâm bảo vệ cái đúng; im lặng trước những cái xấu, tiêu cực cũng là một hình thức dung dưỡng cho cái xấu phát triển, vì vậy cần phải dám nói.
Bên cạnh đó, có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ giúp cho người cán bộ Hải quan không bị cám dỗ trước những lợi ích, tránh gặp những rủi ro và mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức dù ở trong bất cứ môi trường nào./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!